Phó Tổng thống Hoa Kỳ JD Vance cho biết Washington có thể sẽ sử dụng đòn bẩy kinh tế và quân sự trong các cuộc đàm phán với Nga để đảm bảo một thỏa thuận hòa bình tốt cho Ukraine, nhưng người phát ngôn của ông sau đó phủ nhận rằng ông đang đưa ra bất kỳ lời đe dọa nào đối với Moscow.
Ông Vance cũng kêu gọi châu Âu chi nhiều hơn cho quốc phòng trong bài phát biểu trước khi đến tham dự Hội nghị An ninh Munich, một cuộc họp thường niên quan trọng của các nhà lãnh đạo chính trị, quan chức quân đội và các nhà ngoại giao.
Trong bài phát biểu quan trọng của mình tại hội nghị, ông Vance đã chỉ trích Liên minh châu Âu vì những quy định của họ về ngôn từ kích động thù địch và thông tin sai lệch, mà ông cho rằng tương đương với kiểm duyệt.
Ông chỉ đề cập ngắn gọn đến Ukraine, nói rằng ông hy vọng có thể đạt được một “giải pháp hợp lý”.
Tuy nhiên, Ukraine và triển vọng đàm phán hòa bình đã khiến nhiều người tại cuộc họp toàn cầu cấp cao này bận tâm sau khi Tổng thống Donald Trump khiến các đồng minh của Hoa Kỳ kinh ngạc khi gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và tuyên bố bắt đầu các cuộc đàm phán để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.
Ông Vance, người dự kiến sẽ gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy vào cuối ngày thứ Sáu, nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal trước hội nghị rằng ông Trump có thể sử dụng một số công cụ - kinh tế và quân sự - để gây ảnh hưởng với Putin.
Người phát ngôn của ông Vance, William Martin, sau đó nói trên X rằng ông Vance “không đưa ra bất kỳ lời đe dọa nào. Ông ấy chỉ nêu ra sự thật rằng sẽ không ai tước đi các lựa chọn của Tổng thống Trump khi các cuộc đàm phán này bắt đầu”.
Ông Martin công bố những gì ông nói là bản ghi chép từ cuộc phỏng vấn, theo đó ông Vance được hỏi về mối đe dọa và áp lực ngầm mà Washington đang cân nhắc đối với ông Putin. Ông cho biết ông Vance đã trả lời rằng “phạm vi các lựa chọn là cực kỳ rộng và có các công cụ kinh tế để gây ảnh hưởng. Tất nhiên, cũng có (cả) các công cụ quân sự để gây ảnh hưởng”.
Ông Vance không đề cập đến bất kỳ điều nào trong bài phát biểu của mình tại hội nghị, thay vào đó tập trung vào việc chỉ trích chính sách của EU, gồm 27 quốc gia, về ngôn từ kích động thù địch.
“Mối đe dọa mà tôi lo ngại nhất đối với châu Âu không phải là Nga, không phải Trung Quốc, không phải bất kỳ tác nhân bên ngoài nào khác”, ông nói, đồng thời thêm rằng đó là những gì ông gọi là sự thoái lui khỏi các giá trị cơ bản của việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận - cũng như vấn đề nhập cư, mà ông cho là “vượt tầm kiểm soát” ở châu Âu.
Một phóng viên của Reuters có mặt trong một trong những phòng bên cạnh, nơi nhiều đại biểu có thể lắng nghe ông Vance, cho biết mọi người theo dõi trong sự im lặng sửng sốt và không có tiếng vỗ tay.
CHÂU ÂU LO SỢ BỊ LOẠI KHỎI THỎA THUẬN VỀ UKRAINE
Điện Kremlin trước đó vào thứ Sáu nói rằng họ hy vọng Hoa Kỳ sẽ làm rõ những phát biểu của ông Vance với tờ Wall Street Journal.
“Chúng tôi chưa từng nghe những cách diễn đạt như vậy trước đây”, người phát ngôn của Điện Kremlin, Dmitry Peskov, nói với các phóng viên.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent đồng tình với bình luận của ông Vance. “Cũng giống như thuế quan, điều này sẽ phụ thuộc vào cách Tổng thống Putin tiếp cận bàn đàm phán”, ông nói với Fox Business Network.
“Nếu chúng ta tin rằng việc đưa chế độ trừng phạt lên ngưỡng tối đa sẽ giúp chúng ta đạt được đòn bẩy đàm phán, và như bạn biết đấy, không ai hiểu đòn bẩy đàm phán tốt hơn Tổng thống Trump, thì đó sẽ là quyết định của ông ấy, và Bộ Tài chính sẽ thực hiện quyết định đó”.
Cuộc điện đàm của ông Trump với ông Putin đã làm dấy lên nỗi lo ngại trong các chính phủ châu Âu rằng họ có thể bị loại khỏi một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh Ukraine, điều này có thể trở nên quá có lợi cho Nga và làm suy yếu an ninh châu Âu nói chung.
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock đã nhắc lại những lo ngại đó vào thứ Sáu.
“Một nền hòa bình giả tạo - trên đầu người Ukraine và người châu Âu - sẽ chẳng mang lại lợi ích gì”, bà nói. “Một nền hòa bình giả tạo sẽ không mang lại an ninh lâu dài, cho cả người dân Ukraine cũng như chúng ta ở châu Âu hay Hoa Kỳ”.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức nói ông Trump đã sai lầm khi loại bỏ các con bài mặc cả khỏi bàn đàm phán, cụ thể là mong muốn của Ukraine về tư cách thành viên NATO và mục tiêu thu hồi mọi lãnh thổ mà lực lượng Nga chiếm giữ kể từ năm 2014.
Nga hiện nắm giữ khoảng 20% lãnh thổ Ukraine, gần ba năm sau khi phát động cuộc xâm lược toàn diện. Moscow nói việc Kyiv theo đuổi tư cách thành viên NATO gây ra mối đe dọa hiện hữu. Ukraine và phương Tây gọi hành động của Nga là hành động chiếm đất của đế quốc.
ÁP LỰC LÊN CHÂU ÂU
Ông Vance cũng nhắc lại yêu cầu của ông Trump rằng châu Âu phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ quốc phòng của chính mình, để Washington có thể tập trung vào các khu vực khác, đặc biệt là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
“Trong tương lai, chúng tôi nghĩ rằng châu Âu sẽ phải đóng vai trò lớn hơn trong an ninh của chính mình”, ông nói trong một cuộc gặp song phương với Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier.
Tổng thư ký NATO Mark Rutte nói ông Vance “hoàn toàn đúng” về nhu cầu châu Âu phải “tăng cường” và làm nhiều hơn nữa cho quốc phòng của chính mình. “Chúng ta phải trưởng thành theo nghĩa đó và chi tiêu nhiều hơn nữa”, ông Rutte nói.
Tại hội nghị, một số nhà lãnh đạo châu Âu đã đồng tình với bình luận của ông, nói rằng châu Âu sẽ tăng chi tiêu quốc phòng nhưng cũng cần thảo luận với Washington về việc dần dần loại bỏ hỗ trợ của Mỹ.
Khi là một thượng nghị sĩ, ông Vance đã bày tỏ thẳng thắn sự hoài nghi về những hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho Ukraine.
Phát biểu trên một podcast vào năm 2022, ông cho biết: “Tôi không thực sự quan tâm đến những gì xảy ra ở Ukraine theo cách này hay cách khác”.
Diễn đàn