Kyiv và các đồng minh châu Âu hôm 13/2 yêu cầu rằng họ phải được tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào, sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin của Nga và nói rằng Ukraine không thể lấy lại toàn bộ đất đai của mình hoặc gia nhập NATO.
Thị trường tài chính của Nga tăng vọt và giá nợ của Ukraine tăng lên trước viễn cảnh về các cuộc đàm phán hòa bình đầu tiên kể từ những tháng đầu của cuộc chiến đẫm máu nhất của châu Âu kể từ Thế chiến Thứ hai.
Nhưng lời đề nghị đơn phương của ông Trump với ông Putin, cùng với những nhượng bộ rõ ràng về các yêu cầu chính của Ukraine, đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo cho cả Kyiv và các đồng minh châu Âu trong NATO, những người cho biết họ lo ngại Tòa Bạch Ốc có thể đạt được thỏa thuận mà không có họ.
“Là một quốc gia có chủ quyền, chúng tôi sẽ không thể chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào nếu không có chúng tôi”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nói.
Ông nói ông Putin muốn đàm phán song phương với Hoa Kỳ và điều quan trọng là không cho phép điều đó xảy ra.
Các quan chức châu Âu đã có lập trường cứng rắn công khai đối với lời đề nghị hòa bình của ông Trump, nói rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng không thể thực hiện được trừ khi họ và người Ukraine tham gia đàm phán.
“Bất kỳ giải pháp nhanh chóng nào cũng là một thỏa thuận bẩn thỉu”, người đứng đầu chính sách đối ngoại châu Âu Kaja Kallas nói. Bà cũng lên án mạnh mẽ những nhượng bộ rõ ràng được đưa ra trước.
“Tại sao chúng ta lại trao cho họ (Nga) mọi thứ họ muốn ngay cả trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu?” bà Kallas nói. “Đó là sự xoa dịu. Nó chưa bao giờ hiệu quả”.
Một nguồn tin ngoại giao châu Âu cho biết các bộ trưởng đã đồng ý tham gia vào một “cuộc đối thoại thẳng thắn và đòi hỏi” với các quan chức Hoa Kỳ - một trong những ngôn ngữ mạnh nhất trong từ điển ngoại giao - tại Hội nghị An ninh Munich thường niên bắt đầu vào ngày 14/2.
Ông Trump, người đã thực hiện cuộc gọi đầu tiên được thừa nhận công khai tại Tòa Bạch Ốc với ông Putin kể từ cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2 năm 2022, và sau đó tiếp tục gọi điện cho ông Zelenskyy, nói ông tin rằng cả hai người đều muốn hòa bình.
Nhưng chính quyền Trump cũng lần đầu tiên công khai tuyên bố rằng Ukraine không thực tế khi mong đợi lấy lại biên giới lãnh thổ như thời trước năm 2014 hoặc gia nhập liên minh NATO như một phần của bất kỳ thỏa thuận nào, và rằng không có lính Mỹ nào tham gia bất kỳ lực lượng an ninh nào ở Ukraine vốn có thể được thành lập để đảm bảo lệnh ngừng bắn.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Pete Hegseth ngày 13/2 nói rằng thế giới thật may mắn khi có ông Trump, “nhà đàm phán giỏi nhất hành tinh, người đưa hai bên lại với nhau để tìm ra một nền hòa bình được đàm phán”.
‘Ý chí chính trị’
Về phần mình, Điện Kremlin nói họ “ấn tượng” trước lập trường của ông Trump, trái ngược với lập trường của người tiền nhiệm Joe Biden.
“Có một ý chí chính trị, được nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện ngày hôm qua, để tiến hành đối thoại nhằm tìm kiếm một giải pháp”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết.
Nga đã chiếm bán đảo Crimea của Ukraine và các lực lượng ủy nhiệm của nước này đã chiếm được lãnh thổ ở phía đông vào năm 2014, trước khi tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2022 khi chiếm được nhiều đất hơn ở phía đông và phía nam.
Ukraine đã đẩy lui quân đội Nga khỏi vùng ngoại ô Kyiv và chiếm lại nhiều vùng lãnh thổ vào năm 2022, nhưng lực lượng yếu thế và ít vũ khí của họ đã dần nhượng lại nhiều đất hơn kể từ cuộc phản công thất bại của Ukraine vào năm 2023.
Cuộc giao tranh không ngừng đã giết chết hoặc làm bị thương hàng trăm nghìn quân lính ở cả hai bên - không có số liệu thống kê đáng tin cậy về số người chết - và san phẳng các thành phố của Ukraine.
Moscow yêu cầu Kyiv nhượng lại nhiều đất hơn và trở nên trung lập vĩnh viễn trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào; Kyiv nói rằng quân đội Nga phải rút lui và Ukraine phải giành được các đảm bảo an ninh tương đương với tư cách thành viên NATO để ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai.
Các quan chức Ukraine đã thừa nhận trong quá khứ rằng tư cách thành viên NATO đầy đủ có thể nằm ngoài tầm với trong ngắn hạn và một thỏa thuận hòa bình giả định có thể để lại một số vùng đất bị chiếm đóng vào tay Nga.
Nhưng Kyiv và các đồng minh châu Âu của họ đã nói rõ rằng họ lo ngại về việc ông Trump đã mở các cuộc đàm phán với những nhượng bộ rõ ràng cho Moscow, mà không nhất trí về một lập trường chung trước.
Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha cho biết Kyiv vẫn cam kết nộp đơn xin gia nhập NATO, theo ông là cách đơn giản nhất và ít tốn kém nhất mà phương Tây có thể cung cấp các đảm bảo an ninh cần thiết để đảm bảo hòa bình.
“Tất cả các đồng minh của chúng tôi đều nói rằng con đường của Ukraine hướng tới NATO là không thể đảo ngược. Triển vọng này nằm trong hiến pháp của chúng tôi. Nó nằm trong lợi ích chiến lược của chúng tôi.”
‘Đầu hàng’
Tâm trạng ở thủ đô Ukraine vào ngày 13/2 rất ảm đạm.
Cư dân Kyiv Myroslava Lesko, 23 tuổi, đứng gần một biển cờ tưởng nhớ những người lính đã hy sinh ở trung tâm thành phố, nói: “Có vẻ như họ thực sự muốn Ukraine đầu hàng, vì tôi không thấy bất kỳ lợi ích nào cho đất nước chúng tôi từ các cuộc đàm phán này hoặc ngôn từ của ông Trump.”
Tuy nhiên, người dân Ukraine đã kiệt sức sau ba năm chiến tranh và nhiều người cho biết họ đã sẵn sàng hy sinh một số mục tiêu để đạt được hòa bình.
Nhiều người đã thất vọng với chính sách của Hoa Kỳ dưới thời cựu Tổng thống Biden, người đã thề sẽ giúp Ukraine giành lại toàn bộ đất đai và cung cấp hàng chục tỷ đô la thiết bị quân sự, nhưng với những hạn chế và sự chậm trễ mà các chỉ huy Ukraine cho rằng đã cho phép các lực lượng Nga tập hợp lại.
Ít nhất thì ông Trump thẳng thắn hơn về những giới hạn của sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, ông Tymofiy Mylovanov, chủ tịch Trường Kinh tế Kyiv cho biết.
“Sự khác biệt giữa Biden và Trump là Trump nói to những gì Biden đang nghĩ và đang làm về Ukraine”, ông nói.
Diễn đàn