Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ chủ trì một cuộc họp của các nhà lãnh đạo châu Âu vào ngày 17/2 để thảo luận về tình hình ở Ukraine, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noel Barrot nói với đài phát thanh France Inter hôm 16/2.
Ông Barrot cho biết như vậy một ngày sau khi đặc phái viên về Ukraine của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Keith Kellogg, gây chấn động châu Âu khi tuyên bố rằng họ sẽ không có ghế tại bàn đàm phán về việc chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine.
Năm nhà ngoại giao châu Âu cho biết, cuộc họp sẽ bao gồm Pháp, Anh, Đức, Ba Lan, Ý, Tây Ban Nha và Đan Mạch, đại diện cho các nước Baltic và Scandinavia.
Ông Trump đã gây sốc cho các đồng minh châu Âu trong tuần này khi điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin mà không tham khảo trước ý kiến của họ hoặc Kyiv và tuyên bố bắt đầu ngay lập tức các cuộc đàm phán hòa bình.
Các quan chức chính quyền Trump cũng đã nói rõ trong những ngày gần đây rằng họ mong đợi các đồng minh châu Âu trong NATO sẽ chịu trách nhiệm chính cho khu vực này vì hiện Hoa Kỳ có những ưu tiên khác, chẳng hạn như an ninh biên giới và chống lại Trung Quốc.
Các động thái của Hoa Kỳ đã làm dấy lên lo ngại rằng người châu Âu có thể bị loại khỏi một thỏa thuận hòa bình cũng sẽ ảnh hưởng đến an ninh của chính họ, đặc biệt là nếu nó được coi là quá có lợi cho Nga.
Đặc phái viên Hoa Kỳ về Ukraine và Nga Keith Kellogg đã phát biểu tại một hội nghị an ninh toàn cầu ở Munich rằng Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán, với Ukraine và Nga là hai bên chính.
Khi được hỏi về triển vọng châu Âu có mặt tại bàn đàm phán, ông Kellogg cho biết: "Tôi (thuộc) trường phái hiện thực. Tôi nghĩ điều đó sẽ không xảy ra".
Ông Kellogg nói rằng các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh giữa Nga và Ukraine có thể tập trung vào các nhượng bộ lãnh thổ từ Nga và nhắm vào doanh thu từ dầu mỏ của ông Putin.
"Nga thực sự là một quốc gia dầu mỏ", ông nói và cho biết rằng các cường quốc phương Tây cần phải làm nhiều hơn nữa để thực thi hiệu quả các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Tại một sự kiện sau đó tại hội nghị, ông Kellogg đã tìm cách trấn an người châu Âu bằng cách tuyên bố điều này không có nghĩa là "lợi ích của họ không được xem xét, sử dụng hoặc phát triển".
Nhưng các nhà lãnh đạo châu Âu cho biết họ sẽ không chấp nhận việc bị loại khỏi các cuộc đàm phán.
"Không có chuyện chúng ta có thể thảo luận hoặc đàm phán về Ukraine, tương lai của Ukraine hoặc cấu trúc an ninh châu Âu mà không có người châu Âu", Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb nói với các phóng viên tại Munich.
"Nhưng điều này có nghĩa là châu Âu cần phải hành động cùng nhau. Châu Âu cần nói ít hơn và làm nhiều hơn".
Ông nói rằng bảng câu hỏi mà Hoa Kỳ gửi cho người châu Âu "sẽ buộc người châu Âu phải suy nghĩ".
Một nhà ngoại giao cho biết, "Người Mỹ đang tiếp cận các thủ đô châu Âu và hỏi họ sẵn sàng triển khai bao nhiêu quân".
Tổng thư ký NATO Mark Rutte cũng kêu gọi người châu Âu cùng hành động.
"Và gửi tới những người bạn châu Âu của tôi, tôi muốn nói rằng, việc tham gia vào cuộc tranh luận, không phải bằng cách phàn nàn rằng các bạn có thể, có hoặc không, ngồi vào bàn đàm phán, mà bằng cách đưa ra các đề xuất, ý tưởng cụ thể, tăng chi tiêu (quốc phòng)", ông phát biểu tại Munich.
Trong một dấu hiệu cho thấy vẫn còn một số mức độ hợp tác quốc tế trong kỷ nguyên Trump mới, các bộ trưởng ngoại giao G7, bao gồm cả Hoa Kỳ, đã nhất trí hôm 15/2 về một tuyên bố, trong đó họ cam kết sẽ tiếp tục hợp tác để đạt được một thỏa thuận hòa bình lâu dài cho Ukraine với các đảm bảo an ninh vững chắc.
Diễn đàn