Đường dẫn truy cập

Các thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi đàm phán trực tiếp với Bắc Triều Tiên


Các vị thượng nghị sĩ Mỹ thuộc cả hai đảng đang kêu gọi chính phủ mở các cuộc đàm phán trực tiếp với Bắc Triều Tiên, sau khi quốc gia cô lập ở Á Châu này thực hiện cuộc thử nghiệm hạt nhân trước đây trong tháng.

Cuộc thử nghiệm hạt nhân mới đây của Bắc Triều Tiên có tác dụng như một lời cảnh tỉnh các nhà lập pháp Mỹ. Càng ngày họ càng hối thúc chính phủ Hoa Kỳ tìm cách giải quyết vụ khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên bằng cách nói chuyện trực tiếp với Bình Nhưỡng. Chính phủ của tổng thống Bush đã từ chối không giao dịch trực tiếp với Bình Nhưỡng bên ngoài khuôn khổ các cuộc đàm phán 6 bên vì nói rằng Bắc Triều Tiên đã lừa dối trong các cuộc thương lượng song phương trước đây với Washington. Tiến trình đàm phán 6 bên, gồm cả Bắc Triều Tiên, Trung quốc, Nam Triều Tiên, Nhật Bản và Nga, bắt đầu từ năm 2003, nhưng đã bị đình trệ hơn 1 năm nay vì Bình Nhưỡng tẩy chay. Nghị sĩ Jack Reed, thuộc đảng Dân chủ, là một trong những người lên tiếng lớn nhất về vấn đề này tại trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ. Ông nói rằng các cuộc đàm phán trực tiếp là đặc biệt cấp thiết vì các hành động mới đây của Bắc Triều Tiên.

“Trong nhiều năm qua, chính phủ này lúc đầu đã chỉ đứng ngó phía Bắc Triều Tiên mặc nhiên rút plutonium để chế tạo các thiết bị hạt nhân trước mắt các thanh sát viên quốc tế. Họ đã chứng kiến một cuộc phóng phi đạn vào ngày Quốc khánh Mỹ. Rồi bây giới họ lại nhìn thấy một vụ kích nổ thiết bị hạt nhân.”

Ông Reed xuất hiện trong chương trình “Late Edition” của đài CNN hôm chủ nhật. Ông nói thêm rằng trung tâm điểm của bất cứ cuộc thương lượng nào với Bắc Triều Tiên phải là các cuộc thảo luận với Hoa Kỳ. Ông Reed nói tiếp:

“Đối với tôi, cái khái niệm về hình thức của các cuộc đàm phán không quan trọng bằng chính việc thương lượng, hoặc tìm cách thương lượng, tuy có thể là không thành công, nhưng cố gắng tìm cách thương lượng với phía Bắc Triều Tiên."

Cũng về chương trình này, nghị sĩ Arlen Specter của đảng Cộng hòa tin rằng có những lý do chính đáng để Washington theo đuổi cả hai đường. Ông Specter lập luận:

“Các cuộc đàm phán đa phương là không thể thiếu được, nếu chúng ta muốn thực hiện bất cứ biện pháp chế tài nào một cách có hiệu quả. Và tôi cảm thấy phấn khởi khi nhìn thấy Trung Quốc nay đã lên tiếng một cách mạnh mẽ hơn về một số biện pháp chế tài hữu hiệu. Vì thế, theo quan điểm của tôi, các cuộc đàm phán phải có tính cách đa phương.”

Nhưng ông Specter viện dẫn quyết định của Tổng thống Reagan nói chuyện với Cộng hòa Xô Viết trước đây, sau khi công bố nước này là một “đế quốc độc ác” hồi thập niên 1980, để dẫn chứng về sự cần thiết phải đàm phán với những người bị coi là kẻ thù, kể cả Bắc Triều Tiên và Iran. Ông Specter giải thích:

“Ta thấy có Iran, là nước muốn gia nhập câu lạc bộ hạt nhân. Bắc Triều Tiên muốn vỗ ngực tự xưng mình có vũ khí hạt nhân. Vậy ta hãy nói chuyện với họ. Vấn đề Bắc Triều Tiên khá nghiêm trọng, bởi vì họ có vũ khí hạt nhân và có khả năng sử dụng chúng, nên tôi cho rằng chúng ta phải viện đến mọi phương cách, kể cả các cuộc đàm phán song phương trực tiếp.”

Ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Condoleezza Rice vừa kết thúc chuyến đi đến khu vực bao gồm các chặng dừng chân ở Tokyo, Hán Thành, Bắc Kinh và Matxcơva. Bà mưu tìm hậu thuẫn cho các biện pháp chế tài vừa được Liên hiệp quốc thông qua nhắm vào Bắc Triều Tiên và cảnh báo Bình Nhưỡng chớ nên thực hiện thêm các cuộc thử nghiệm hạt nhân.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG