Đường dẫn truy cập

Việt Nam kết án 3 công dân Mỹ tội khủng bố


Một tòa án ở Việt Nam đã tuyên án tù cho 7 người, gồm có 3 công dân Mỹ và 4 công dân Việt Nam, về những tội liên quan tới khủng bố. Tuy nhiên, tất cả những người này sẽ được ra khỏi tù trong vòng 1 tháng nữa, và các công dân Hoa Kỳ, trong đó có bà Nguyễn Thường Cúc ở tiểu bang Florida, sẽ bị trục xuất khỏi Việt Nam.

Hôm thứ sáu, tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra phán quyết có tội đối với tất cả 7 bị cáo. Một số người trong nhóm này bị cáo buộc là đã đưa lậu thiết bị phát sóng vào Việt Nam với mưu toan cướp sóng đài phát thanh nhà nước để phát đi những lời kêu gọi, hô hào dân chúng nổi dậy lật đổ chính quyền Cộng sản. Những bị cáo còn lại thì bị buộc tội là đồng lõa hoặc tiếp tay trong âm mưu mà giới hữu trách nói là của ông Nguyễn Hữu Chánh, người đứng đầu một tổ chức chống Cộng đặt cơ sở ở tiểu bang California. Trước đây, giới hữu trách Việt Nam tố cáo rằng nhóm của ông Chánh đã chủ mưu những vụ nổ bom tòa đại sứ Việt Nam ở Thái lan và một số địa điểm khác ở Việt Nam.

Cả 7 bị cáo đều bị tuyên án tù 15 tháng với thời gian tạm giam được tính là thời gian thọ án. Và như thế, những người này sẽ được thả ra khỏi tù trước cuối năm nay vì họ đã bị bắt giữ từ tháng 9 năm ngoái.

4 người mang quốc tịch Việt Nam trong vụ án này tuy cũng sẽ được thả trong thời gian gần đây nhưng họ sẽ bị quản chế hành chánh trong vài năm.

Vụ án này đã gây chú ý trong dư luận Hoa Kỳ, chủ yếu là vì trong số các bị cáo có bà Nguyễn Thương Cúc, 58 tuổi, là một người hoạt động tích cực trong cộng đồng người Việt ở thành phố Orlando, tiểu bang Florida. Tháng 10 vừa qua, thượng nghị sĩ Mel Martinez đại diện tiểu bang Florida đã yêu cầu chính phủ của tổng thống Bush làm áp lực để giới hữu trách Việt Nam trả tự do cho bà Cúc. Để hậu thuẫn cho yêu cầu này, ông Martinez đã quyết định ngăn không cho Thượng viện Mỹ đưa ra biểu quyết dự luật dành cho Việt Nam qui chế PNTR, tức qui chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn.

Hạ viện Hoa Kỳ, trong khi đó, đã quyết định là sẽ biểu quyết về dự luật này vào ngày thứ hai tuần sau. Dự luật PNTR được trình cho quốc hội hồi tháng 6. Nhưng ngay sau đó dự luật đã bị gặp trở ngại vì các thượng nghị sĩ đại diện cho các tiểu bang có nhiều công ty ngành dệt may e rằng hàng may mặc giá rẻ của Việt Nam có thể khiến công nhân Mỹ bị mất công ăn việc làm. Kế đến là việc thượng nghị sĩ Martinez đòi Hà Nội trả tự do cho bà Nguyễn Thương Cúc.

Tuần trước, Việt Nam đột ngột loan báo là họ sẽ đưa bà Cúc và 6 đồng bị cáo ra xét xử về các cáo giác liên quan tới hoạt động khủng bố.

Việc bà Cúc được trở về Mỹ có thể dọn đường cho ông Martinez rút lại sự chống đối đối với dự luật PNTR. Hôm thứ Năm, tổng thống Bush nói rằng dự luật này là một trong hai ưu tiên hàng đầu về chính sách ngoại giao mà quốc hội Hoa Kỳ sẽ ra sức giải quyết.

Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, và chính phủ ở Hà Nội hy vọng quốc hội Mỹ thông qua dự luật PNTR trước khi tổng thống Bush đến Hà Nội vào tuần tới để dự hội nghị thượng đỉnh APEC.

Chính phủ Việt Nam nhiều lần bày tỏ quan tâm đối với vấn đề này. Dự luật PNTR cần được thông qua bởi vì Việt Nam đã được kết nạp vào Tổ chức Thương mại Thế giới và quy định của tổ chức này đòi hỏi các nước thành viên phải đối xử bình đẳng với nhau. Nhưng một đạo luật của Mỹ được ban hành từ những năm của thập niên 1970 đòi hỏi chính phủ áp dụng các biện pháp chế tài đối với các quốc gia theo chủ nghĩa Cộng sản như Việt Nam.

Bà Virginia Foote, chủ tịch Hội đồng Thương mại Mỹ-Việt, cho biết nếu cả Hạ viện lẫn Thượng viện Mỹ hành động nhanh chóng thì tổng thống Bush có thể mang theo một món quà khi ông đến Hà Nội. Bà nói:

Dự luật này được trình từ 3 tháng trước. Và sự chậm trễ trong việc xúc tiến dự luật này quả là một điều gây bực dọc. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng rằng cuộc biểu quyết sẽ diễn ra vào ngày 13 tới đây tại Hạ viện và có lẽ một hoặc hai ngày sau đó tại Thượng viện.

Nếu không kể tới sự chống đối của thượng nghị sĩ Martinez, dự luật PNTR có được hậu thuẫn rộng rãi của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Các giới chức Tòa Bạch Ốc hy vọng dự luật này sẽ được Hạ viện thông qua vào ngày thứ hai tới đây ngõ hầu tổng thống Bush không phải rơi tình trạng “tay không” khi ông gặp thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam tại Hà Nội vào ngày thứ sáu tuần sau.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG