Như quý vị đã biết, Trưởng Ban Việt Ngữ Michael Mathes đang có mặt ở Hà Nội để theo dõi hội nghị thượng đỉnh APEC. Và vào sáng sớm chủ nhật, anh Michael đã cho chúng tôi biết một vài chuyện như sau:
Q: Chào anh Michael, trong ngày cuối tuần, anh thấy không khí chuẩn bị APEC tại Hà Nội như thế nào?
A: Dường như Hà Nội đang thưởng thức những giây phút được cả thế giới chú ý. Vào buổi tối hôm qua thứ Bảy, Hà Nội có một không khí tưng bừng, sinh hoạt có vẻ nhộn nhịp trên các đường phố trung tâm. Nói đến trung tâm thì khu vực này tốn khá nhiều tiền để làm đẹp, riêng Trung Tâm Hội nghị Quốc Gia mới xây xong thì treo đầy các biểu ngữ chào mừng APEC. Các biện pháp an ninh bổ sung cũng được thấy rõ, nghe nói có hàng ngàn cảnh sát viên ở ngoại thành đã được đưa thêm vào Hà Nội. Họ tổ chức diễn tập trên đường phố vào lúc khuya, đặc biệt là ở gần các khách sạn 5 sao, nơi có các nhà lãnh đạo thế giới đến nghỉ.
Tuần lễ của lãnh đạo APEC chính thức bắt đầu vào hôm nay, chủ nhật, nhưng chưa gì mà đã có hơn 10 ngàn đại biểu và các nhà báo đã đổ về. Nhưng tôi cho rằng thách thức thực sự cho Hà Nội trong vấn đề xử lý với đám đông, sẽ đến vào giữa tuần, khi các nhà lãnh đạo như Tổng Thống Bush của Mỹ, Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào của Trung Quốc đến Hà Nội. Tôi cho rằng, với truyền thồng quá nhiệt tình của ngành an ninh Việt Nam, nhiều con đường chính dẫn đến trung tâm hội nghị sẽ bị cấm hoàn toàn không cho công chúng lưu thông, có thể là họ sẽ bắt đầu kể từ hôm nay.
Q: Anh có biết rồi đây hội nghị sẽ bàn đến những chuyện gì hay không?
A: Thưa anh, nền kinh tế của các nước thành viên APEC chiếm 40% dân số thế giới và chiếm 48% kim ngạch trao đổi thương mại toàn cầu, cho nên các cuộc thảo luận giữa 21 nước thành viên có hơi phức tạp. Chúng ta có những nước lớn như Nga, ngồi chung với những nước nhỏ như Papua New Guinea, để thảo luận những vấn đề bao quát, như làm thế nào để phát triển bền vững.
Dù sao đi nữa, các thành viên chủ yếu sẽ bàn về tự do thương mại, cả về địa bàn toàn cầu lẫn bên trong nhóm châu Á Thái Bình Dương. Nhưng họ cũng bàn đến những vấn đề nóng bỏng quan trọng, ví dụ như chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, tài trợ cho khủng bố , tệ nạn buôn người; và y tế, trong đó có cúm gia cầm.
Q: Đứng ra tổ chức hội nghị APEC lần này quan trọng cho Việt Nam như thế nào?
A: Các quan chức mà tôi có dịp trao đổi đều nói rằng APEC là sự kiện lớn nhất của Việt Nam từ nhiều năm qua. Đây quả là thời điểm có nhiều sự kiện trọng đại đến với Việt Nam cùng một lúc. Họ mới vừa được thu nhận vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới sau 12 năm đàm phán , đầu tư trực tiếp của nước ngoài đổ vào cũng khá nhiều, tốc độ tăng trưởng cũng ở vào hạng cao trên thế giới , chỉ thua có Trung Quốc; và trong tuần này lại đón tiếp một số lãnh đạo quan trọng nhất thế giới. Có thể nói một cách chính xác rằng Việt Nam đã bước lên sân khấu quốc tế. Chính Việt Nam cũng mong muốn điều đó, và họ nóng lòng muốn chứng tỏ các thành công của họ cho thế giới thấy.
Q: Một trong những vị khách đến dự APEC được nhiều người chú ý lần này là Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush. Theo nhận xét riêng của anh thì liệu ông Bush sẽ được người dân Việt Nam dành cho những tình cảm như thế nào?
A: Tôi nghĩ có thể là loại tình cảm có vui có buồn. Trước hết, tôi không rõ ông Bush có chiếm được cảm tình của người dân Việt Nam giống như ông Clinton trước đây hay không. Như anh đã biết, ông Clinton là Tổng Thống Mỹ đầu tiên đến Việt Nam sau khi chiến tranh chấm dứt. Ông ấy đã nối lại quan hệ với Việt Nam, ký hiệp định thương mại song phương với Việt Nam. Có thể nói chuyến đi Việt Nam năm 2000 của ông Clinton là một thành công lớn. Ông ấy đã nói chuyện với sinh viên Hà Nội, đi bộ ở thành phố Hồ Chí Minh , nơi mà người dân đã đứng xếp hàng vào quá nửa đêm để nhìn đoàn xe của ông đi từ sân bay Tân Sân Nhứt về khách sạn. Tôi cũng có mặt tại Việt Nam vào lúc ông Clinton đến, và cảm tưởng chung là người dân Việt Nam yêu mến ông Clinton. Tôi không chắc là ông Bush có được đối xử giống như ông Clinton hay không. Dân Việt Nam rất hiếu khách, nên có thể là có những đoàn người đứng dọc 2 bên đường để chào ông Bush. Nhưng trong chỗ riêng tư, nhiều người nói với tôi họ không ưa ông Bush chút nào, nhất là vì chính sách chiến tranh của ông tại Iraq. Nói tóm lại, khó nói chắc, phải chờ xem.