Đường dẫn truy cập

Bangladesh bắt giữ thêm nhiều nhà lãnh đạo chính trị cao cấp 


Đã có thêm nhiều nhà lãnh đạo chính trị cao cấp và lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt giữ ở Bangladesh, nơi mà chính phủ lâm thời do quân đội hậu thuẫn cho biết họ đang tìm cách làm trong sạch chính trường với đầy rẫy các vụ tham nhũng trước khi tiến hành cuộc bầu cử.

Các vụ bắt giữ các nhân vật cao cấp trong đó có hai cựu bộ trưởng chính phủ là Bộ trưởng Thương mại Altaf Hossain Chowdhury và Bộ trưởng Y tế Sheikh Selim, thị trưởng hai thành phố lớn Sylhet và Barisal, một doanh nhân hàng đầu và ba lãnh đạo cao cấp của hai đảng chính trị lớn của nước này.

Các vụ bắt giữ được thực hiện hôm thứ hai và thứ ba. Các giới chức không cho biết những chính trị gia và doanh nhân này bị cáo buộc tội trạng gì, tuy nhiên họ được cho là bị bắt giữ vì bị tình nghi là tham nhũng.

Đây là đợt bắt bớ lớn thứ hai kể từ khi chính phủ lâm thời tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng trên chính trường.

Chính phủ đã bắt gần 160 người kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 1, sau khi trì hoãn vô thời hạn việc tổ chức cuộc tổng tuyển cử.

Cho tới thời điểm này ba chính trị gia đã bị các tòa án đặc biệt kết án. Trong số này có thư ký chính trị một thời đầy quyền lực của thủ tướng Khaleda Zia là ông Harris Chowdhury, người đã bị xử vắng mặt với bản án 3 năm tù. Ông Mahfuz Anam, chủ biên Nhật báo Dhaka's Daily Star, cho biết chiến dịch bài trừ tham nhũng này được ủng hộ rộng rãi.

Ông Anam nói: “Người dân muốn thấy một số kết quả cụ thể, những người mà mọi người đều biết là đã lạm dụng quyền hành, những người đã vơ vét một khối lượng tài sản lớn cho riêng mình, tôi nghĩ kết án họ là một hành động được lòng dân của chính phủ nhằm lật tẩy những hành động tham nhũng, biển thủ tiền bạc của họ trong quá khứ.”

Các vụ bắt giữ mới đây đã khiến người đứng đầu liên đoàn Awami là bà Sheikh Hasina tức giận. Bà gọi các vụ bắt giữ này là “một hành động chuyên quyền” và nói rằng chính phủ đang nhắm mục tiêu vào các chính trị gia chứ không phải vào tình trạng tham nhũng.

Tuy nhiên Cố vấn luật pháp của chính phủ, ông Mainul Hosein nói rằng chính phủ chắc chắn sẽ không hành động theo sự chỉ đạo của các chính trị gia, bởi họ không nắm chính quyền với “chỉ thị của các chính trị gia”.

Chính bà Sheikh Hasina, người giữ chức thủ tướng từ năm 1996 tới năm 2001, cũng đang bị xem xét. Giới hữu trách cho biết họ đang xem xét lại hai vụ án tham nhũng đối với bà, hai vụ này có liên quan đến việc mua bán thiết bị quốc phòng. Hồi tháng trước bà bị cáo buộc tội tống tiền và có dính líu đến vụ giết hại thành viên của đảng đối lập.

Chính phủ đã hứa sẽ tiến hành bầu cử trước cuối năm 2008, nhưng các đảng phái chính trị đang gây sức ép để cuộc bầu cử được tiến hành sớm hơn. Chính phủ lâm thời đã cấm tất cả các đảng phái chính trị hoạt động trong thời gian này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG