Nhân dịp Chủ Tịch nước Nguyễn Minh Triết đến Hoa Kỳ, tập trung vào vấn đề kinh tế và buôn bán giữa hai nước, Trưởng ban Việt ngữ Michael Mathes có dịp trao đổi với ông Murray Hiebert, Trưởng Ban Đông Nam Á của Phòng Thương mại Hoa Kỳ.
VOA: Trước tiên, xin ông cho biết thái độ của các công ty Mỹ, tức là các thành viên của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, về chuyện đầu tư tại Việt Nam.
Ông Hiebert: Nói chung, họ rất phấn khởi. Việt Nam được xem là mục tiêu thời thượng nhất hiện nay. Đó là một mục tiêu rất được ưa chuộng. Các công ty Mỹ háo hức về chuyện đầu tư tại Việt Nam. Họ phấn khởi khi thấy Chủ Tịch nước Việt Nam đến Mỹ. Họ cho rằng chuyến đi này sẽ làm tăng thêm bầu không khí quan hệ đang được bình thường hóa giữa 2 nước.
VOA: Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ xem chuyến đi của ông Triết lần này như thế nào, chuyến đi đó gửi đi một thông điệp gì?
Ông Hiebert: Từ lâu họ đã được nghe cả hai phía nói rằng một trong số những vấn đề then chốt mà hai bên sẽ thảo luận khi ông Triết đi gặp Quốc hội và các công đồng doanh nghiệp Mỹ là cả hai nước đã sẵn sàng để làm ăn với nau. Họ sẽ tìm cách đạt thỏa thuận trên nhiều mặt, để làm thế nào các công ty của nước này dễ dàng đầu tư và buôn bán tại nước kia.
VOA: Nhưng nghe nói là sự náo nức lúc ban đầu bây giờ có vẻ bớt đi, vì có thể một số hợp đồng sẽ không ký được nhân chuyến đi lần này của ông Triết?
Ông Hiebert: Có nhiều lời bàn tán xôn xao rằng sẽ có nhiều hợp đồng được ký. Nghe đâu là sẽ có trên một chục hợp đồng được đề cập. Nhưng con số đó bây giờ dường như đã bớt đi. Có lẽ chỉ còn độ 4 hoặc 5 hợp đồng. Mọi việc vẫn còn trong vòng chuẩn bị, có thể có những hợp đồng được ký vào phút chót. Nhưng tôi biết chắc sẽ có những hợp đồng được ký, trong đó có hợp đồng với những công ty như Chevron hoặc Microsoft.
VOA: Theo chỗ ông được biết thì lý do nào con số hợp đồng này lại bớt đi?
Ông Hiebert: Có nhiều cơ hội tại Việt Nam, nhưng nhiều công ty Mỹ muốn đầu tư vào Việt Nam thấy rằng tệ nạn quan liêu được khắc phục hơi chậm. Các công ty cũng cho chúng tôi biết: họ muốn thấy Việt Nam minh bạch hơn, cải tiến chế độ pháp quyền, bảo vệ mạnh mẽ quyền tài sản trí tuệ, và đối phó với những tệ nạn như tham nhũng. Tất cả những thứ đó làm tăng thêm chi phí cho các công ty của Mỹ muốn đầu tư vào Việt Nam, và đó cũng là những điều mà các công ty Mỹ muốn có dịp nói với ông Triết khi ông đến đây. Họ không chỉ muốn nói những điều tốt mà Việt Nam đang làm, mà còn muốn nhân dịp này nói cho ông biết những khó khăn của họ, những điều mà họ thấy không dễ dàng như họ đã tưởng.