Nhiều người trông đợi thay đổi thời tiết và tự do hóa thương mại là 2 đề tài quan trọng sẽ được mang ra bàn trong hội nghị APEC diễn ra tuần này tại Sydney. An ninh khu vực cũng được chú ý. Nhưng theo tường trình của Thông Tín Viên Nancy-Amelia Collins đang có mặt tại Jakarta, 21 thành viên của nhóm APEC sẽ có nhiều bất đồng trong các đề tài này.
Thủ Tướng John Howard của Australia, người chủ trì hội nghị thường niên của APEC lần này, xem thay đổi thời tiết là đề tài thảo luận hàng đầu của ông.
Ông Howard hy vọng nhân hội nghị này, có thể tạo ra một cách tiếp cận mới để chống lại tình trang tăng nhiệt trái đất, và nếu có được cách tiếp cận đó thì có thể tránh được chuyện phải đặt ra các định mức chất độc mà các quốc gia có thể thải ra.
Australia và Hoa Kỳ là 2 nước phát triển không chịu thực thi nghị định thư Kyoto. Hơn 160 quốc gia phê chuẩn nghị định thư đã cam kết giảm bớt chuyện thải ra khi carbon dioxide và 5 loại khí gây hiệu ứng nhà kính khác, mà các nhà khoa học cho rằng đã tạo ra hiện tượng tăng nhiệt trái đất.
Tuy nhiên, theo nghị định thư này, chỉ có 36 quốc gia phát triển bị buộc phải cắt giảm khí thải độc hại. Các nước đang phát triển như Trung Quốc hoặc Ấn Độ hoặc Brazil không bị buộc như thế. Vì vậy Hoa Kỳ và Australia cho rằng nếu chỉ buộc các nước phát triển mới phải cắt giảm thì không công bằng và có thể gây ảnh hưởng xấu về mặt kinh tế.
Ông Emmy Hafidz, đại diện khu vực Đông Nam Á của tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace, nói rằng kế hoạch mà Thủ Tướng Australia đề xuất không đủ mạnh để giải quyết được vấn đề:
"Thật là điều mỉa mai. Họ nói rằng họ ý thức là chuyện thay đổi thời tiết đang xảy ra, nhưng tôi cho rằng 2 nước Hoa Kỳ và Australia vẫn không muốn nhận lỗi của họ, là đã không phê chuẩn nghị định thư Kyoto. Trong thực tế, Hoa Kỳ và Australia có kế hoạch riêng để giảm mức thải ra khí CO2. Đây là một thái độ 2 mặt. Một mặt thì họ nói họ muốn bàn vấn đề đó, nhưng họ không muốn làm gì cả cho quốc gia họ. Như vậy là không chấp nhận được."
Một chuyên gia khác, ông John McKay, Trưởng ban nghiên cứu APEC của Australia tại trường đại học Monash ở Melbourne, nói rằng một đề tài khác cũng có ưu tiên cao để mang ra thảo luận là vòng đàm phán Doha, trong khuôn khổ của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Vòng đàm phán này đang gặp bế tắc:
"Tôi cho rằng sẽ có nhiều người quan tâm tìm ra phương cách để nhóm APEC có thể tháo gỡ bế tắc. Các thành viên APEC chiếm hơn 50% khối lượng trao đổi thương mại trên thế giới, do đó, họ là một nhóm gây áp lực khá lớn. Tôi tin sẽ có nhiều người chú ý đến chuyện có liên quan đến Tổ Chức Thương Mại Thế Giới này."
Vòng đàm phán Doha có mục địch tháo gỡ các rào cản thương mại để giúp các nước nghèo có dịp phát triển, nhân dịp có sự nới rộng thương mại toàn cầu.
Nhưng vòng đàm phán này đã bị chững lại vì có những bất đồng về những rào cản nông nghiệp, hàng hóa công nghiệp và dịch vụ.
Ông McKay nói rằng các thành viên APEC cũng tập trung bàn về chuyện hội nhập kinh tế khu vực và ông trông đợi sẽ có thảo luận để bắt đầu đặt nền móng cho một khu vực thương mại tự do, trải dài suốt Thái Bình Dương.
"Cách mà APEC có thể bù đắp cho sự thiếu tiến bộ trong các cuộc đàm phán ở cấp đa phương, là họ sẽ thảo luận về khả năng lập ra một khu vực thương mại tự do giữa các nước APEC với nhau, khu vực này bao gồm toàn bộ các nền kinh tế của APEC."
Nhưng ông McKay nhận định rằng rất có thể sẽ có bất đồng quan điểm trên nhiều đề tài quan trọng:
"Trong lịch trình thảo luận về thương mại, cuộc tranh luận kéo dài về cách bán nông phẩm cho Bắc Á, cụ thể là Nhật Bản và Nam Triều Tiên , sẽ là một điểm nhức nhối. Ngoài ra, tôi nghĩ rằng còn có những điểm nhức nhối khác về mặt an ninh. Trước đây đã có những ý đồ, ví dụ như, đưa vấn đề Bắc Triều Tiên vào nghị trình thảo luận của APEC. Luôn luôn có bất đồng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong nhiều vấn đề an ninh."
Một chuyên gia khác là ông Yao Shunli , thuộc Trung Tâm Nghiên cứu Kinh tế Bắc Kinh. Ông nầy nói rằng sự xáo trộn mới đây trên các thị trường tài chính thế giới cũng làm lãnh đạo các nước APEC quan tâm:
"Họ lo lắng về xáo trộn này, nhất là khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Trung Quốc, Hiệp Hội ASEAN, Nhật Bản; khu vực này là trung tâm sản xuất của châu Á. Họ sản xuất hàng hóa cho các thị trường của Mỹ và nếu có khủng hoảng tài chính, đặc biệt là ở Mỹ thì nhất định châu Á sẽ bị ảnh hưởng."
Trở lại với chuyên gia McKay thì ông này nói rằng mặc dù rất khó để 21 quốc gia có những nền văn hóa khác biệt quá lớn thỏa thuận được với nhau về mọi vấn đề, việc tổ chức hội nghị APEC mỗi năm vẫn là việc làm có ích:
"Tôi nghĩ rằng các cuộc trao đổi bản thân của nó thường là hữu ích. Tôi nghĩ rằng đưa 21 lãnh đạo của các nền kinh tế quan trọng ngồi lại với nhau không phải là chuyện dễ. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần bàn về nhiều vấn đề. Tôi nghĩ rằng đóng góp quan trong của APEC trong lúc này là ở mức lãnh đạo; do đó tôi hy vọng sẽ có kết quả hữu ích sau hội nghị Sydney."
Hội nghị chính thức bắt đầu hôm chủ nhật vừa qua bằng cuộc họp của các quan chức cao cấp của các nước thành viên. Và trong suốt tuần lễ, sẽ co các buổi họp của lãnh đạo doanh nghiệp và các Bộ Trưởng Kinh Tế. Qua đến thứ 7 và chủ nhật mới có cuộc họp cấp cao giữa 21 nước.
Bên cạnh đó, Thủ Tướng Australia sẽ tiếp Tổng Thống Hoa Kỳ và Thủ Tướng Nhật Bản, trong một cuộc họp cấp cao giữa 3 nước để bàn về tình hình an ninh khu vực.