Lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã lập lại sự ủng hộ của ông đối với Thế vận Hội Bắc Kinh nhưng nói rằng Trung Quốc không có quyền đòi hỏi những người chỉ trích chấm dứt những cuộc biểu tình ôn hòa để phản đối những hành động của Trung Quốc ở Tây Tạng. Từ trung tâm tin tức Á Châu của đài VOA tại Hồng Kông, thông tín viên Naomi Martig gởi về bài tường thuật sau đây.
Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố rằng việc Trung Quốc đăng cai Olympic là một việc tốt.
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: "Ngay từ lúc đầu, tôi đã hậu thuẫn cho việc Trung Quốc đăng cai đại hội thể thao danh tiếng nhất này, bởi vì Trung Quốc là nước đông dân nhất thế giới và là một quốc gia cổ kính. Vì vậy, người dân Trung Quốc thực sự xứng đáng được làm nước chủ nhà của cuộc tranh tài thế vận."
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tuyên bố như thế ngày hôm nay tại Tokyo, là nơi ông ghé thăm trong lúc trên đường đến Hoa Kỳ.
Trung Quốc cho rằng Tây Tạng là một phần lãnh thổ của mình nhưng người Tây Tạng chống lại quyền cai trị của Trung Quốc. Tháng trước, phần đất này đã xảy ra những cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất và có nhiều bạo động nhất trong vòng nhiều thập niên. Giới hữu trách Trung Quốc đã nhanh chóng dẹp tan những cuộc phản kháng này.
Diễn biến vừa kể đã làm bùng ra những vụ biểu tình chống Trung Quốc trên khắp thế giới. Các buổi lễ rước đuốc thế vận đã trở thành dịp để những người ủng hộ Tây Tạng thực hiện những cuộc biểu tình rầm rộ ở London, Paris, và San Francisco.
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng những người biểu tình có quyền bày tỏ ý kiến của mình, bất chấp những đòi hỏi của Trung Quốc muốn họ chấm dứt những hành động phản kháng. Tuy nhiên, vị tu sĩ đoạt giải Nobel Hòa bình này cũng nhắc lại lời kêu gọi cho các hành động phản kháng trong hòa bình.
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: "Tôi đã gởi một thông điệp cho những người Tây Tạng ở San Francisco. Tôi nói rằng xin đừng thực hiện bất cứ hành vi bạo động nào. Dĩ nhiên họ có toàn quyền quyết định về việc bày tỏ cảm nghĩ của mình. Và không ai có quyền bảo họ 'im đi'. Đây là quyền tự do cá nhân, phải không ạ?"
Bắc Kinh tố cáo rằng nhà lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng đã chủ mưu những vụ gây rối. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã bác bỏ tố cáo vừa kể. Ông nói thêm rằng một trong những nguyên do khiến Trung Quốc bị quốc tế chỉ trích là không có tự do ngôn luận ở Tây Tạng.
Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: "Đó là nguồn gốc của vấn đề. Chính vì vậy mà chúng tôi đã quyết định theo đuổi việc cổ xướng cho dân chủ, tự do ngôn luận, và tự do tư tưởng. Ở Tây Tạng có những người trực tiếp chỉ trích tôi. Tôi hoan nghênh những lời chỉ trích như vậy. Họ có quyền chỉ trích. Tôi không có quyền bảo họ im đi."
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã bỏ trốn sang Ấn Độ sau cuộc khởi nghĩa bất thành năm 1959.
Giới hữu trách Trung Quốc tố cáo rằng ông muốn đòi độc lập cho Tây Tạng và là người có âm mưu chia cắt đất nước. Tuy nhiên, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng ông tranh đấu cho Tây Tạng được tự trị chứ không đòi độc lập.
Các đại diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma cho biết ông không có kế hoạch gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính trị trong lúc ghé thăm Nhật Bản. Ông đang trên đường đến Hoa Kỳ để thực hiện chuyến viếng thăm dài 2 tuần lễ nhằm thuyết giảng về các vấn đề tâm linh.