Đã có những lời kêu gọi tổng thống Bush tẩy chay Thế Vận Hội Bắc Kinh, hay ít nhất họ cũng đòi ông tuyên bố ý định không đến dự lễ khai mạc. Nhưng tổng thống Bush, từng đích thân nói với chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào rằng ông sẽ đến tham dự, đã không lui bước.
Tổng thống Bush cho hay ông sẽ đi dự Thế Vận Hội Bắc Kinh, mặc dù thời biểu chính thức của chuyến đi Trung Quốc của ông theo dự trù sẽ không được công bố cho đến ngay trước khi các cuộc tranh tài thế vận bắt đầu.
Cố Vấn an Ninh Quốc Gia, ông Stephen Hadley cho biết Tổng thống muốn dùng cơ hội này để hỗ trợ cho đoàn vận động viên của Hoa Ky tại Thế Vận Hội, trong lúc nêu lên những quan ngại về nhân quyền tại các cuộc thảo luận kín với giới lãnh đạo Trung Quốc. Theo ông Hadley thì đây là phương cách hữu hiệu nhất để đưa đến những thay đổi, nhất là cho số phận của Tây Tạng.
Theo cố vấn an ninh quốc gia Hadley thì điều không may là rất nhiều quốc gia cho rằng nếu không đến dự lễ khai mạc thế vận hội thì hành động đó có nghĩa là họ đã làm xong chuyện phải làm cho vấn đề Tây Tạng. Thực ra làm như thế chỉ là một sự tránh né trách nhiệm.
Trong lần xuất hiện trên đài truyền hình tin tức FOX hôm chủ nhật, ông Hadley nói rằng Hoa Kỳ có một đòn bẩy với Trung Quốc, và ngoại giao kín đáo mà chính quyền Tổng thống Bush ủng hộ có thể đem đến kết quả.
Ông Hadley nói nếu như những quốc gia khác quan tâm thì họ nên làm điều mà Hoa Kỳ đang làm, đó là qua vận động ngoại giao kín đáo, gửi một thông điệp cho Trung QuốcQ rằng họ nên nắm lấy cơ hội khi cả thế giới chú ý đến họ, để cho thấy rằng họ muốn đặt nặng và có quyết tâm trong việc tôn trọng phẩm giá của các công dân trong nước họ.
Nếu như Tổng thống Bush thực sự tham dự thế vận hội tại Bắc Kinh thì đây là lần đầu tiên một một tổng thống Hoa Kỳ đến tham dự Olympic tổ chức tại một quốc gia ngoài Hoa Kỳ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã loan báo bà sẽ không tham dự lễ khai mạc thế vận năm nay. Tổng thống Pháp Nicholas Sarkozy đã tỏ dấu hiệu cho thấy là có thể ông cũng sẽ làm như thế. Và Nghị Viện Châu Âu đang khuyến nghị tất cả mọi nước thành viên Liên hiệp Châu Âu đững tham dự để phản đối Trung Quốc đàn áp Tây Tạng.
Cũng đã có những lời kêu gọi tương tự đến từ những nhà tranh đấu lo ngại về những vụ đàn áp đẫm máu trong tỉnh Darfur của Sudan, là nơi Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn. Vận động viên Hoa Kỳ Joey Cheek, từng đoạt một huy chương vàng và một bạc về bộ môn trượt băng tốc độ tại đại hội thể thao Olympic mùa đông năm 2006, đã tham gia vào một đoàn thể tranh đấu có tên là Nhóm Darfur.
Vận động viên này nói rằng anh không ủng hộ cho hành động tẩy chay toàn diện các cuộc so tài Thế Vận, nhưng muốn thấy các vận động viên bày tỏ quan điểm của họ tại Bắc Kinh.
Theo vận động viên này ghi nhận thì Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế đã nghiêm ngặt cấm các vận động viên tham dự thế vận đưa ra các tuyên bố chính trị thẳng thắn, rõ ràng tại các cuộc so tài Olympic. Nhưng anh nói bằng quan điểm của những vận động viên này có thể được nghe bằng nhiều phương cách khác.
Vận động viên này cho rằng điều hay nhất,và thật sự theo đúng ý nghĩa về mặt pháp lý của Olympic, là sử dụng các cuộc họp báo và các phương tiện truyền thông của quốc tế.
Vận động viên Cheek nói rằng bất cứ quốc gia nào đứng ra tổ chức Thế Vận Hội Olympic đều phải giữ một chuẩn mực đạo đức cao hơn, kể cả Trung Quốc.