Trong lúc cuộc đàm phán 6 bên nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên sắp được mở lại tại Bắc Kinh, ngoại trưởng Condoleezza Rice của Mỹ cho biết các mối quan hệ chiến lược giữa Washington với các nước vùng Đông Nam Á và Nam Á đã được cải thiện trong thời gian gần đây. Mời quí vị theo dõi thêm một số chi tiết về vấn đề này dựa theo bài tường thuật của thông tín viên đài VOA Ravi Khanna.
Hôm thứ Năm, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Christopher Hill đã họp với các vị đặc sứ của Nhật Bản và Nam Triều Tiên tại Tokyo với trọng tâm là cuộc đàm phán 6 bên nhằm chấm dứt các chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Trong cuộc tiếp xúc với báo chí ở thủ đô nước Nhật, ông Hill cho biết như sau.
Ông Hill nói: "Chúng tôi thật sự trông mong được ngồi lại với nhau - cả 6 bên trong cuộc đàm phán, và tìm hiểu xem liệu chúng tôi có thể hoàn tất giai đoạn này để bắt đầu giai đoạn kế tiếp và hoàn thành công việc này hay không."
Đặc sứ Hill đã họp với thương thuyết gia trưởng của Nhật Bản là ông Akitaka Saiki, và sau đó hai ông đã họp chung với đặc sứ Kim Sook của Nam Triều Tiên.
Trong giai đoạn hiện tại, Bình Nhưỡng có nghĩa vụ phải nộp một bản khai báo đầy đủ về tất cả các hoạt động hạt nhân của họ.
Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice cho biết bản khai báo đó dự kiến sắp được nộp cho Trung Quốc, là nước đứng ra tổ chức cuộc đàm phán 6 bên. Tuy nhiên, bà nói thêm rằng ưu tiên hàng đầu vẫn là làm thế nào để kiểm chứng là Bắc Triều Tiên đã tháo dỡ chương trình hạt nhân của họ.
Bà Rice nói: "Chúng ta đang tiến chỗ mà mọi phía, kể cả Hoa Kỳ, sẽ phải thực hiện những sự lựa chọn rất khó khăn. Trong lúc trọng tâm của sự chú ý hiện nay được đặt vào những bước tiến có tính chất chiến thuật mà chúng ta đang thực hiện, chúng ta cũng cần lưu ý tới mục tiêu lớn hơn -- đó là loại trừ tất cả các loại vũ khí hạt nhân và chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên."
Ngoại trưởng Rice cho hay: một khi Bắc Triều Tiên nộp bản khai báo, Washington sẽ bắt đầu thủ tục đưa tên Bắc Triều Tiên ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố. Bà nói thêm rằng trong trường hợp Bình Nhưỡng không tiết lộ chương trình của họ, Hoa Kỳ sẽ tăng cường các biện pháp chế tài.
Phát biểu hôm thứ ba tại một tổ chức nghiên cứu ở Washington có tên là Quĩ Heritage, bà Rice cho biết các mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với Nam Triều Tiên và Nhật Bản giờ đây là những cột trụ của ổn định ở Á Châu và có ích cho việc đối phó với các vấn đề toàn cầu mà bà mô tả như sau.
Bà Rice nói: "Từ vấn đề các quốc gia bị tan rã, vấn đề khủng bố, nạn phổ biến vũ khí hạt nhân, vấn đề biến đổi khí hậu cho tới việc thăng tiến các giá trị chung ở cả Á Châu lẫn những nước khác như Iraq và Afghanistan."
Bà Rice cũng đề cập tới sự cải thiện trong các mối quan hệ chiến lược giữa Washington với các vùng Đông Nam Á và Nam Á.
Bà Rice nói: "Đó là những mối quan hệ đối tác với nền dân chủ mới được thiết lập ở Afghanistan, với một nước Pakistan dân chủ, và một sự chuyển đổi có tính chất lịch sử trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với Ấn Độ, là một cường quốc dân chủ đang trỗi dậy."
Nữ ngoại trưởng Mỹ nói thêm rằng mục tiêu của Hoa Kỳ ở Á Châu là lấy tinh thần hợp tác để thay cho thái độ đối địch nhau trong quá khứ.