Đường dẫn truy cập

Ấn Ðộ: Ðủ hậu thuẫn để thông qua hiệp định hạt nhân dân sự với Mỹ


Thủ tướng Ấn Độ sẽ đi dự cuộc họp thượng đỉnh G-8 ở Nhật Bản sau khi quy tụ đủ hậu thuẫn trong nước để thông qua một hiệp ước hạt nhân dân sự với Hoa Kỳ đã bị đình trệ. Từ New Delhi, phái viên đài VOA Anjana Pasricha gửi về bài tường thuật sau đây.

Chương trình làm việc của thủ tướng Ấn Độ ông Manmohan Singh ở Nhật Bản gồm nhiều cuộc họp với các nhà lãnh đạo thế giới bên lề hội nghị thượng đỉnh G-8.Quan trọng nhất sẽ là cuộc họp với Tổng thống Bush vào ngày mốt, trong đó ông hy vọng sẽ truyền đạt ý định thực hiện các bước chót nhằm ký một hiệp ước hạt nhân dân sự giữa hai nước.

Các bước này gồm việc mưu tìm một sự chấp thuận của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế và một biệt lệ của Nhóm Cung cấp Hạt nhân. Cho đến nay, chính phủ vẫn chưa thực hiện việc này vì sự chống đối mãnh liệt đối với hiệp ước của các đồng minh tả khuynh trong liên minh do đảng Quốc đại lãnh đạo. Nhưng sau một tuần lễ vận động chính trị ráo riết, đảng Quốc đại đã được sự ủng hộ cấp thiết cho hiệp ước từ phía một đối thủ trước đây là một đảng phái khu vực có tên là đảng Samajwadi.

Đảng Samajwadi cho biết hiệp ước hạt nhân đem lại lợi ích cho quốc gia và đã hứa sẽ mở rộng sự ủng hộ từ quốc hội qua chính phủ. Hậu thuẫn của đảng này sẽ tối thiết để bảo đảm rằng đa số các thành viên trong quốc hội sẽ ủng hộ hiệp ước hạt nhân.

Phát ngôn viên đảng Quốc Đại, ông Tom Vadakan nói: “Chúng tôi đã nhắc lại lập trường của chúng tôi. Có đôi lúc, thủ tướng đã nói rằng trước khi đưa vào hoạt động toàn bộ hiệp ước, ông ấy sẽ đưa vấn đề ra trước Quốc hội.”

Đảng Samajwadi kiểm soát 39 thành viên quốc hội trong số 543 đại biểu của hạ viện. Đảng này có thể giúp chính phủ tồn tại, ngay cả nếu như các đảng cộng sản rút lại sự ủng hộ cấp thiết như họ đã dọa nhiều lần. Các đảng cộng sản nói rằng hiệp ước sẽ gây phương hại cho chính sách đối ngoại độc lập của Ấn Độ và hạn chế chương trình vũ khí hạt nhân của Ấn Độ. Hiệp ước hạt nhân sẽ giúp Ấn Độ tiếp cận được nền kỹ thuật hạt nhân dân sự, cho dù nước này chưa ký hiệp ước cấm phổ biến hạt nhân.

Cả New Delhi lẫn Washington đều muốn chung quyết hiệp ước trước kỳ bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11. Các giới chức Mỹ đã nhiều lần cảnh báo rằng số phận của hiệp ước sẽ rất bất định nếu bị trì hoãn và phải đối diện với chính phủ mới của Hoa Kỳ.

Thủ tướng Manmohan Singh nói rằng Ấn Độ cần hiệp ước này để có thêm các chọn lựa về năng lượng nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Nếu được thông qua, hiệp ước dự trù sẽ củng cố thêm các quan hệ ngày càng gia tăng giữa New Delhi và Washington.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG