Đường dẫn truy cập

Một vòng quanh sứ quán các nước trên thế giới ở thủ đô Washington


Thủ đô Washington của Hoa Kỳ có rất nhiều nơi hấp dẫn, đáng xem như các đài kỷ niệm, các viện bảo tàng,những di tích lịch sử, những hội hè đình đám được tổ chức thường xuyên. Hôm nay, Lá Thư Mỹ Quốc sẽ mời quí vị theo chân một hướng dẫn viên du lịch đi xem một số những toà dinh thự mà các quốc gia trên thế giới đặt sứ quán của họ. Sau đây là một số chi tiết do Lan Phương gửi đến quí vị.

Trên 170 quốc gia có đại sứ quán tại Hoa Kỳ. Rất nhiều trong số những tòa nhà được các quốc gia đặt sứ quán ở thủ đô Washington có lai lịch rất đáng chú ý. Một số các sứ quán được đặt tại những tòa dinh thự cổ với một lịch sử thi vị. Một số khác thì mới được xây cất hồi gần đây theo kiểu kiến trúc của quốc gia họ. Một số lớn các sứ quán thường tổ chức các buổi họp mặt, hội hè để giới thiệu văn hóa nước mình.

Trước hết, chúng tôi sẽ bắt đầu chuyến đi thăm các sứ quán tại một khu vực trong thủ đô có tên là Embassy Row. Đây là khu qui tụ với chừng 50 tòa đại sứ, phần lớn nằm trên đại lộ Massachusetts. Một số những sứ quán trong khu vực này được đặt trong những tòa dinh thự lớn do những người Mỹ giầu có xây vào đầu thế kỷ thứ 20.

Quí vị vừa nghe lời dẫn giải của cô Sonia Justl, hướng dẫn viên du lịch. Cô nói về lai lịch của nhiều tòa nhà cổ trước khi chúng trở thành trụ sở của các sứ quán.

Ví dụ như đại sứ quán Uzbekistan được đặt tại một tòa nhà được trang trí hết sức công phu, tỉ mỉ. Một chủ ngân hàng giàu có, ông Clarence Moore, đã cho xây tòa nhà vào năm 1906. Tuy nhiên, ông không sống được lâu để tận hưởng. Ông đã thiệt mạng trong chuyến đi chơi trên con tàu định mệnh Titanic bị chìm sâu xuống lòng đại dương năm 1912. Tòa nhà này đã được Canada dùng làm sứ quán trước khi Uzbekistan mua lại năm 1996.

Một số các quốc gia như Pakistan, cho xây những sứ quán hiện đại và bỏ những sứ quán cũ. Một số các quốc gia khác gặp những rắc rối về chính trị hay khó khăn tài chính nên không chăm sóc, tu bổ sứ quán của họ tại thủ đô Washington. Người dân sống trong khu vực đắt giá này không hài lòng chút nào khi có một số tòa nhà gần như bị đổ nát. Trong một khu cư dân bình thường tại Hoa Kỳ, gia chủ sẽ bị nhà chức trách thành phố gửi giấy cảnh cáo và ra lệnh phải tu sửa lại nhà ở theo đúng qui định như chăm sóc vườn tược, thảm cỏ và sửa chữa, sơn phết lại nhà cửa cho tươm tất.

Tuy nhiên, ngay tại thủ đô này, các giới chức thành phố và liên bang đành bó tay không thể làm gì được đối với các đại sứ quán không được chăm sóc vì họ có qui chế ngoại giao chiếu theo công pháp quốc tế.

Bây giờ thì mời quí thính giả sang một khu vực khác để xem những đại sứ quán thật mới, đó là sứ quán Thụy Điển trong khu Georgetown bên bờ sông Potomac. Sứ quán được đặt trong một tòa nhà có tên gọi là House of Sweden, trong đó có cả một trung tâm để tổ chức các buổi hội hè và triển lãm, cùng một số các căn hộ sang trọng. Tòa nhà bằng kính là một thí dụ điển hình cho kiểu kiến trúc mới của Thụy Điển.

Trông nó thật mượt mà, đơn giản và rất hiện đại. Khách đến đây có thể sẽ được xem những cuộc triển lãm như xe hơi, môi trường, nghệ thuật hay họa kiểu.

Cách nơi này không xa là đại sứ quán của Pháp, được xây trong một khu vực có tường rào bao quanh. Trung tâm văn hóa của sứ quán có tên là La Maison de France, thường tổ chức những buổi họp mặt giới thiệu văn hóa Pháp. Một ví dụ, vào tháng 6, trung tâm mời 30 ban nhạc ở địa phương đến dự lễ hội âm nhạc mùa hè hằng năm. Vào mùa thu tới, trung tâm sẽ cho chiếu các phim của Pháp cũng như tổ chức các buổi hòa nhạc trong đó có nhạc baroque, nhạc cổ điển và nhạc Jazz.

Và nếu may mắn, có thể quí vị sẽ được mời dự tiệc tại tư gia của đại sứ Pháp. Căn nhà độc đáo nằm trong khu Kalorama trông giống như một lâu đài xây theo kiểu kiến trúc gôtic vậy. Những tổ chức như Đoàn Nhạc Kịch Washington đôi khi cũng được mời trình diễn trong ngôi nhà tráng lệ này. Đại sứ từ các quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ và Ý cũng sống trong những tòa nhà có tầm vóc lịch sử, nổi tiếng về kiểu kiến trúc và vẻ đẹp của nó.

Tháng trước, Trung Quốc khai trương đại sứ quán mới của họ ở một khu vực có tên gọi là Trung Tâm Quốc Tế tại thủ đô Washington. Với diện tích trên 10,000 mét vuông, đây là một trong những sứ quán lớn nhất tại thủ đô Hoa Kỳ. Chính phủ Trung Quốc đã đưa hằng trăm công nhân của họ sang để thực hiện dự án to lớn phải mất đến 3 năm mới xong. Theo kiến trúc sư họa kiểu thì khu vườn tược của sứ quán phối hợp cả truyền thống Trung Quốc lẫn Tây phương tạo được bầu không khí u nhàn gần gũi với thiên nhiên.

Các đại sứ quán khác cùng thấy hiện diện trong khu vực này là Ghana, Ethiopia, Nigeria, Pakisitan, Israel và Ai Cập.

Tọa lạc trong một khu vực khác nữa là Viện Văn Hóa Mexico nằm trên đường 16. Đây là 1 tòa nhà lớn được bà Emily MacVeagh cho xây vào năm 1910. Lúc đó bà là phu nhân của bộ trưởng tài chính Hoa Kỳ. Ngày nay viện này thường tổ chức nhiều buổi trình diễn nghệ thuật và âm nhạc, trong khuôn khổ của chương trình giới thiệu văn hóa của đại sứ quán Mehicô. Và cứ vào tháng 11 mỗi năm, viện mời khách đến thăm xem một bàn thờ lớn dành cho Ngày Hội của Những Người Chết.

Cách nay 2 tuần, nhạc sỹ tây ban cầm Abraham Carmona của Tây Ban Nha được mời đến đây trình diễn.

Vào tháng 5, nhiều đại sứ quán thường tham gia ngày gọi là Passport D.C do tổ chức bất vụ lợi có tên là Cultural Tourism D.C tổ chức. Các đại sứ quán khắp thủ đô tổ chức các hoạt động văn hóa và mở cửa cho công chúng đến thăm. Du khách đến sứ quán Pakistan được xem chiếu phim của nước này. Sứ quán Nhật Bản cho thiết kế một trà thất theo kiểu cổ truyền và cho công chúng xem các khu vườn nên thơ của họ. Sứ quán Iraq mời công chúng nếm thử món ăn và nghe âm nhạc Iraq. Tổ chức Cultural Tourism D.C dự tính tổ chức một hội hè như thế nữa vào năm tới.

Các sứ quán thường là những nơi công chúng bày tỏ ý kiến về hành động hay một diễn biến nào đó của một quốc gia. Lấy thí dụ, vào tháng 3 vừa qua, những người phản đối đã kéo đến biểu tình trước sứ quán Trung Quốc sau khi cảnh sát TQ tấn công những công nhân tín đồ Phật giáo tại Tây Tạng.

Vào dịp thủ tướng Phan Văn Khải, chủ tịch nước VN Nguyễn Minh Triết, và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm Hoa Kỳ, nhiều người Việt tại Mỹ, không những chỉ từ khu vực thủ đô Washington mà còn từ nhiều bang khác tụ hội về đây, kéo đến sứ quán Việt Nam biểu tình phản đối.

Khi vương phi Diana của Anh quốc từ trần 11 năm trước, nhiều người đã đến đặt hoa tại sứ quán Anh để bày tỏ lòng thương tiếc bà.

Và sứ quán gần nhất với trụ sở của đài VOA ở thủ đô là đại sứ quán Canada; mới đây sứ quán đã mở triển lãm với đề tài '50 năm hình ảnh thời sự Mỹ'.

Bà Carolyn Strauss, tham vấn viên về văn hóa của đại sứ quán Canada, giải thích tại sao các chương trình văn hóa của các tòa đại sứ lại quan trọng.

Bà Strauss nói: "Những dịp lễ lạc, triển lãm hay hội hè nói lên được nhiều nhất những giá trị của một quốc gia và trưng ra được hình ảnh của quốc gia đó, có lẽ không một cách thế nào khác có thể làm hơn thế được. Quí vị có thể bàn thảo về chính trị, về thương mại, nhưng trình diễn, giới thiệu văn hóa mới thực sự nói lên được. Những giá trị văn hóa và những giờ phút biểu trưng của cả một thời kỳ."

Các sứ quán tại thủ đô Hoa Kỳ cũng như khắp các thủ đô của các nước trên thế giới đều có một vai trò thật quan trọng trong việc hỗ trợ cho văn hóa và cho các quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia.




Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG