Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush đã mời cả hai ứng cử viên tổng thống và các nhà lãnh đạo Quốc hội đến Tòa Bạch Ốc với hy vọng đạt được một thỏa thuận giúp cho khu vực tài chính èo uột của Mỹ. Tổng thống kêu gọi dân chúng ủng hộ kế hoạch cứu nguy trong bài diễn văn bất thường được truyền hình trên toàn quốc tối qua. Thông tín viên Paula Wolfson của đài VOA ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Tổng thống Bush nói rằng nền kinh tế đang lâm nguy và phải có một biện pháp nào đó.
Ông Bush nói: “Chúng ta đang ở giữa một cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng và chính phủ liên bang đang đáp lại bằng hành động quyết liệt.”
Trong bài phát biểu hiếm hoi vào buổi tối từ Tòa Bạch Ốc, tổng thống tìm cách dùng lời lẽ giản dị để diễn tả cuộc khủng hoảng tài chính phức tạp. Ông nói rằng các vấn đề mà Phố Wall đang phải đối phó hiện nay chung cuộc có thể ảnh hưởng đến mọi gia đình người Mỹ.
Tổng thống Bush nói: “Sẽ có thêm các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa, và hàng triệu người Mỹ có thể mất công ăn việc làm. Ngay như nếu có thành tích tốt về tín dụng, muốn vay tiền để mua xe hay cho con đi học đại học cũng sẽ khó khăn hơn. Và chung cuộc, đất nước chúng ta có thể rơi vào một cuộc suy thoái dài và đau khổ.”
Mãi cho đến gần đây, Tổng thống Bush vẫn nói rằng nền kinh tế Mỹ là lành mạnh. Nay thì Tòa Bạch Ốc đang dùng những lời lẽ khác để mô tả sự lành mạnh về tài chính của nước Mỹ, khi nói rằng hệ thống tài chính đủ vững mạnh để vượt qua cơn rối loạn thị trường hiện hữu.
Nhưng phương thuốc cho nền kinh tế èo uột sẽ phải trả một cái giá rất cao. Chính phủ Bush muốn Quốc hội chấp thuận 700 tỷ đôla để mua lại món nợ xấu của các tổ chức tài chính lớn. Mọi người đều đồng ý rằng phải tiến hành một biện pháp nào đó. Nhưng nhiều nhà lập pháp tỏ ra hoài nghi về việc dành tất cả khoản tiền đó để giúp cho các công ty tư nhân.
Và họ lo ngại về việc giao trách nhiệm phân phối ngân khoản đó vào tay có một người là Bộ trưởng tài chính Henry Paulson. Các đảng viên Dân chủ, như dân biểu Brad Sherman đại diện tiểu bang California, than phiền rằng kế hoạch cứu nguy giúp rất nhiều cho các cơ chế tài chính phình rộng quá mức, và không giúp ích gì nhiều cho người dân thường.
Dân biểu Sherman nói: “Điều chắc chắn duy nhất là nếu chúng ta thông qua dự luật này, thì Phố Wall sẽ hài lòng.”
Nhưng sự chống đối mạnh nhất đối với kế hoạch cứu nguy tài chính dường như phát xuất từ những người có chủ trương tài chính bảo thủ ngay trong đảng của tổng thống. Một trong những người này là dân biểu Cliff Stearns thuộc đảng Cộng hòa đại diện tiểu bang Florida.
Ông Stearns cho rằng dự luật này sẽ khiến cho người Mỹ thọ thuế đứng trước một rủi ro lớn về tài chính.
Ông Stearns nói: “Qua những vụ cứu nguy như thế này, chính phủ liên bang của chúng ta thực sự đã liều lĩnh dùng số tiền kiếm được một cách khó khăn của người thọ thuế để bảo vệ những công ty trong khu vực tư nhân đã sử dụng các sách lược đầu tư bừa bãi mà không tính đến hậu quả.”
Hôm nay, Tổng thống Bush sẽ thực hiện một số cuộc vận động kín đáo cho kế hoạch cứu nguy trong một cuộc họp ở Tòa Bạch Ốc với các nhà lãnh đạo Quốc hội và các ứng cử viên tổng thống của hai chính đảng lớn.
Ông Barack Obama của đảng Dân chủ và ông John McCain của đảng Cộng hòa đang hối thúc các đồng sự trong viện lập pháp giải quyết vấn đề với một tinh thần lưỡng đảng.
Trong một thông cáo chung rất khác thường công bố chỉ ít phút trước bài phát biểu của Tổng thống Bush, hai ông nói rằng mọi người phải hợp tác với nhau để ngăn chặn điều mà họ gọi là một tai họa kinh tế.
Hầu hết các thị trường chứng khoán tại Châu Á đều sụt giá hôm nay vào lúc các nhà đầu tư phản ứng trước lời kêu gọi của Tổng thống Bush về một kế hoạch cứu nguy khổng lồ cho khu vực tài chính của Hoa Kỳ.
Chỉ số Nikkei sụt gần 1% vào cuối ngày giao dịch, trong khi các chỉ số ở Hán Thành, Sydney và Wellington cũng giảm. Đồng Ðôla xuống giá so với đồng Yen của Nhật Bản.