Đường dẫn truy cập

Thị trường tài chính chờ đợi kết quả thảo luận kế hoạch cứu nguy


Châu Âu đang chờ đợi trong lo âu giữa lúc các nhà lập pháp tại Washington tiếp tục tranh cãi về kế hoạch cứu nguy tài chính tốn kém 700 tỉ đôla để cứu vãn các định chế tài chính Mỹ. Những cuộc thảo luận giữa chính phủ của Tổng Thống Bush với các nhà thương thuyết của Quốc Hội Hoa Kỳ tiếp tục qua ngày thứ Sáu, trong khi tin tức tường trình rằng các cuộc tranh luận sôi nổi ngày hôm trước đã kết thúc mà không đi đến một thỏa thuận nào. Từ London, thông tín viên Sonja Pace của đài VOA tường trình về phản ứng tại Châu Âu về cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra ở Hoa Kỳ.

Lên tiếng tại thủ đô Washington vào sáng thứ Sáu, Tổng Thống Bush hứa rằng kế hoạch cứu nguy tài chính trọn gói sẽ được thông qua, và ông cảnh giác rằng các bên liên hệ không có sự lựa chọn nào khác hơn là ra tay hành động.

Trong khi đó thì các thị trường tài chính ở Châu Âu và trên khắp thế giới đang phập phồng chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra.

Kinh tế gia Margaret Bray thuộc Trường Đại Học Kinh Tế London nói rằng Châu Âu có nhiều lý do để cảm thấy lo âu.

Bà Bray nói: “Đây là tình huống trong đó trạng thái hốt hoảng sẽ càng làm cho mọi người càng thêm hoảng hốt hơn nữa. Các thị trường tài chính đã trong tình trạng bị giao động, và cho tới khi nào các hành động bình thường hơn quay lại với thị trường, thì cho tới lúc đó, rất khó để một số lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế tiếp tục vận hành.”

Hoạt động kinh tế bình thường không những ảnh hưởng tới thành phần có thế lực và làm quyết định tại các khu vực tài chính ở London hay ở Wall Street, mà còn tác động đến các doanh nghiệp nhỏ và những công nhân viên trung bình.

Kinh tế gia Margaret Bray giải thích: “Lấy ví dụ, quý vị đang điều hành một doanh nghiệp, quý vị cần mượn tiền để trả lương cho nhân viên trong tháng này, bởi vì phải chờ đến tháng sau, mới có thể thu tiền về từ những sản phẩm đã bán được, hoặc quý vị muốn mượn một món tiền để giúp con gái theo học đại học, hoặc nữa quý vị muốn mua một căn nhà, tất cả những hoạt động đó đều bị ảnh hưởng, và chúng sẽ có tác động dây chuyền đến công ăn việc làm của mọi người.”

Để tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế tiếp tục, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã phối hợp nỗ lực để bơm tiền vào hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng trung ương chủ yếu tại Châu Âu đã bơm hàng tỉ đôla vào hệ thống ngân hàng trong ngày thứ Sáu. Bà Margaret Bray nói đây là một biện pháp cần thiết và hữu hiệu.

Bà Bray nhận định: “Họ làm như thế là bởi vì các ngân hàng không muốn cho các ngân hàng khác vay tiền. Các ngân hàng không tin tưởng lẫn nhau và vì thế họ không muốn cho chúng ta vay tiền. Sự thể này cũng làm cho những người ký thác tiền trong ngân hàng lo lắng, và vì thế những khoản mà các ngân hàng trung ương bơm vào hệ thống ngân hàng là nhằm cho vay ngắn hạn, mục đích là để giúp guồng máy tài chính tiếp tục hoạt động, ví như bơm dầu vào bánh xe của cỗ máy tài chính để tránh cỗ xe ấy hoàn toàn dừng lại.”

Kinh tế gia Margaret Bray nói điều quan trọng là phải có một kế hoạch cứu nguy tài chính quy mô, như kế hoạch đang được bàn cãi tại Washington. Tuy nhiên, theo bà Bray, cho tới nay thì những nét phác họa về kế hoạch cứu nguy tài chính của Mỹ hãy còn mập mờ, và sự thành công của nó sẽ tùy thuộc vào những chi tiết của kế hoạch.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG