Đường dẫn truy cập

Kế hoạch cứu nguy 700 tỷ đôla: Hiệu quả hay không?


Kế hoạch của chính phủ Tổng thống Bush nhằm chống đỡ cho các thị trường đã khiến các nhà đầu tư đi tìm hiểu các dấu hiệu xem chương trình cứu nguy mất 700 tỷ đôla có thực sự đem lại hiệu quả hay không. Quốc hội, cơ quan được yêu cầu chuẩn chi ngân khoản đó, đã nêu lên một số câu hỏi hóc búa về kế hoạch. Và những người thọ thuế ở Hoa Kỳ đang tự hỏi tại sao họ lại bị kẹt vào chỗ phải trả tiền cho kế hoạch đó và gánh chịu các hậu quả nếu như kế hoạch thất bại. Biên tập viên Judith Latham của đài VOA nói chuyện với các nhà báo của Anh, Nga, và Ấn Độ về âm hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Âu, Nga, Nam Á và Đông Á.

Cuộc khủng hoảng của Hoa Kỳ phát xuất từ hàng triệu khoản tiền tài trợ địa ốc trong những năm gần đây cho những người mua nhà có thành tích tín dụng xấu hay các nguồn tài chính không ổn định.

Hôm thứ ba 23 tháng 9 vừa rồi, các nhà lãnh đạo thế giới họp ở Liên Hiệp quốc gần như nhất trí cho rằng tình trạng hỗn loạn tài chính trong nền kinh tế lớn nhất thế gối đang đe dọa đến nền kinh tế toàn cầu. Trong khi cuộc khủng hoảng ngày càng rõ nét, giá chứng khoán sụt giảm trên khắp thế giới.

Trong nền kinh tế thị trường non nớt của Nga, các giới chức đã có biện pháp đình chỉ việc mua bán chứng khoán sau khi giá sụt mạnh và nhanh hơn so với bất cứ thị trường lớn nào khác.

Mặc dù các nhà lãnh đạo Nga đổ trách nhiệm cho chính phủ Hoa Kỳ, nền kinh tế Nga đã lâm vào tình thế khó khăn. Đó là nhận định của ông Dmitri Siderov, trưởng văn phòng tờ Kommersant, một nhật báo chuyên về kinh doanh và chính trị phát hành ở Matxcơva.

Ông Siderov nói: “Có rất nhiều dấu hiệu. Một trong các dấu hiệu đó là tình hình ở công ty sản xuất than đá và thép Mechel, mà chính phủ Nga định tiếp quản. Một dấu hiệu khác nữa là công ty dầu khí TNK-BP. Tôi nghĩ rằng điện Kremli đã có rất nhiều cố gắng. Dứt khoát chúng ta phải kể cả việc Nga tiến chiếm Gruzia, một chỉ dấu đáng kể nhất đã châm ngòi cho tình hình hiện thời ở Nga.”

Ông Siderov nói rằng một kết quả của việc Nga tiến chiếm Gruzia là các nhà đầu tư nước ngoài rút khoảng 35 tỷ đôla ra khỏi thị trường của Nga.

Ông Siderov nói: “Nga đã chi gần 1/10 tiền mặt dự trữ để ổn định hóa tình hình. Sau khi loan báo rằng ngân hàng trung ương sẵn sàng dành ra ít nhất 1,500 tỷ đôla cho 3 ngân hàng của Nga, báo chí Nga loan báo rằng tình hình có ổn định. Nhưng tôi cho rằng đó là một kết luận quá sớm bởi lẽ trước tiên, nó có thể xoa dịu cuộc khủng hoảng tiền mặt vốn đã hiện hữu ở Nga ngay lúc này, nhưng còn tùy thuộc phần lớn vào cách thức 3 ngân hàng này xử lý các ngân khoản đó. Một điều khác rất đáng chú ý là giá dầu ngay bây giờ thấp hơn so với giá ta thấy cách đây 1 tháng hay 2 tháng.”

Sự biến động trong giá năng lượng rất quan trọng đối với Nga. Ông Siderov nêu ra rằng tiền thu được từ dầu khí chiếm gần 50 phần trăm ngân sách quốc gia của Nga. Kết quả là thị trường tài chính Nga đã sụt 50 phần trăm kể từ khi đạt cao điểm hồi tháng 5. Và torng một nền kinh tế lệ thuộc vào chính trị, thì điều đó gây ra một vấn đề lớn.

Ký giả Ấn Độ Jehangir Pocha, chủ biên tờ Business World ở New Delhi, trước đây thường tường thuật về bối cảnh chính trị và kinh tế ở Bắc Kinh cho nhật báo Boston Globe. Ông nói rằng kế hoạch đề nghị cứu nguy 700 tỷ đôla dứt khoát cổ võ các thị trường ở châu Á.

Ông Pocha nói: “Nhưng không rõ là liệu các thị trường có khả năng tự thân duy trì các mức cao mà không có sự hỗ trợ giả tạo hay không. Tôi cho rằng dân chúng ở Ấn Độ dường như hút một thứ thuốc lá thành công khiến họ miễn nhiễm với mọi vấn đề trên thế giới. Có sự thiếu thực tiễn trong các thị trường ở đây. Và có cảm giác là nền kinh tế nội địa của Ấn Độ đủ vững mạnh để xoay xở mà không cần đến sự hỗ trợ của phương Tây. Tôi cho rằng mọi sự sẽ tệ hại hơn ở Ấn Độ này trước khi trở nên khá hơn. Ấn Độ ít liên hệ hơn với Nhật Bản, Trung quốc và phần còn lại của châu Á so với Hoa Kỳ.”

Mặt khác, theo ông Jehanger Pocha, nền kinh tế của Trung quốc liên hệ mật thiết với châu Âu, Mỹ, Nhật bản và Đông nam châu Á.

Ông Pocha nói: “Nhưng vì mang tính toàn cầu hơn so với nền kinh tế Ấn Độ, cho nên nền kinh tế Trung Quốc nhậy cảm hơn với những thay đổi diễn ra trong bất cứ khu vực kinh tế nào vừa kể. Và tôi cho rằng mối quan ngại lớn nhất cho những nước như Trung quốc và Nhật Bản khởi đầu từ chính phủ bởi vì cả hai chính phủ đều đầu tư hàng trăm tỷ đôla vào các chứng khoán của Hoa Kỳ. Và đó là một trong các lý do Hoa Kỳ phải nâng đỡ Fannie Mae và Freddie Mac bởi vì quá nhiều chính phủ nước ngoài đầu tư ngoại tệ thặng dư vào các công trái và vào các công ty như thế.”

Nhà báo Scotland Scottie Dinwoodie, chủ biên chính trị của tờ The Herald ở Edinburgh, nói rằng cho mãi đến thời điểm cách đây vài tháng, ông và nhiều đồng sự của ông thực sự không biết đến từ ‘sub-prime.’

ông Dinwoodie nói: “Bỗng nhiên sự kiện là các khoản nợ tài trợ địa ốc nhiều rủi ro được bán trên khắp thế giới trở thành tin mới mẻ đối với chúng tôi. Khi sự việc xảy ra và một lượng lớn các khoản tiền cho vay này được gói ghém và bán cho các ngân hàng khác trên khắp thế giới, thì nó trở thành một cuộc khủng hoảng tín dụng.”

Ông Dinwoodie nói rằng dân chúng trên khắp thế giới lấy làm kinh ngạc rằng nước Mỹ đã bắt đầu điều mà ông gọi là quốc hữu hóa các ngân hàng và quốc hữu hóa món nợ to lớn. Nhưng ông nhận xét rằng nhiều người không đặt vấn đề về kế hoạch của chính phủ Hoa Kỳ bảo đảm cho món nợ đó bởi vì họ tha thiết mong muốn ảnh hưởng dợn sóng ngừng lại.





Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG