Các thị trường chứng khoán trong vùng vịnh Ba Tư và trên hầu hết các nước Arập cũng giảm mạnh giống như các thị trường châu Á, sau khi các thị trường Mỹ rớt giá hôm thứ Sáu. Nhiều nhà đầu tư lớn trong vùng Vịnh đã bỏ tiền vào thị trường chứng khoán và ngành bất động sản của Mỹ đang bị thua lỗ, cộng với giá dầu hỏa trên thế giới đang xuống, nên càng thua lỗ nhiều hơn; tạo ra tình trạng mất ổn định thị trường. Thông Tín Viên Yeranian tường trình từ Beirut về vấn đề này sau đây.
Các nhà đầu tư và các nhà môi giới không dấu được nét mặt lo âu khi thấy trong mấy tiếng đồng hồ giao dịch đầu tiên của thứ Hai, các thị trường chính của vùng vịnh Ba Tư đã mất nhiều tỉ đôla. Thị trường chứng khoán của Arập Saudi trợt giá 10% vào giờ mở cửa, và qua hầu hết thời gian giao dịch mất giá khoảng 9%.
Các thị trường chứng khoán Dubai và Abu Dhabi giảm khoảng 5%, sau khi giảm gần 7% hôm chủ nhật.
Đài truyền hình Al Arabiya của người Ả Rập đưa tin, phần lớn sự thua lỗ này là do sự sụp đổ của các ngành mua bán bất động sản và xây dựng nhà cửa, là những ngành tăng trưởng rất mạnh tại Liên hiệp Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, trong những năm gần đây
Hầu như không có thị trường nào của các nước Ả Rập thoát khỏi lần này. Các nước Kuwait, Bahrain, Oman và Qatar đều rớt giá ít nhất 4%. Dường như bị ảnh hưởng suy thoái của các nước châu Á, sau khi các thị trường Tokyo và Thượng Hải mất khoảng 5%.
Các nhà môi giới trong vùng Vịnh gợi ý rằng các nhà đầu tư bắt đầu hốt hoảng sau khi dầu hỏa, mặt hàng chủ lực của các quốc gia vùng vịnh, rớt giá ở mức dưới 90 đôla một thùng vào những giờ đầu mở cửa thị trường.
Tại Jordani, đại biểu Quốc Hội Mohammed Zareeqat nói trên một trang web chuyên về tài chính rằng thành phố Jarash của ông đã biến thành một “vùng tai họa” do thua lỗ trên thị trường chứng khoán. Ông cho hay 90% người dân tại thành phố ông bị ảnh hưởng trước vụ tuột dốc này.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán tương đối nhỏ của Beirut trợt giá hơn 5% mặc những người mua bán chứng khoán thường nhấn mạnh rằng Libăng thường là một “ốc đảo kinh tế”, vào những lúc thế giới có biến động.
Thị trường chứng khoán của Ai Cập đi ngược xu hướng này, và có tăng chút ít.
Ông Osama Habib, phụ trách phần doanh nghiệp của nhật báo The Beirut Daily Star nói rằng ông lạc quan trong giai đoạn ngắn và trung hạn. Ông cho rằng các thị trường của vùng Vịnh và của các nước Ả Rập sẽ bình ổn trở lại sau vài ngày xáo trộn do các biến động của thế giới. Ông nói tiếp:
Ông Habib nói: “Nhưng như tôi đã nói, đây là điều tự nhiên, vì bây giờ chúng ta sống trong ngôi làng thế giới. Chúng ta không thể nói rằng chúng ta sẽ không bị nơi khác ảnh hưởng. Mọi người đều bị ảnh hưởng. Nhưng tình hình kinh tế của các quốc gia vùng vịnh vẫn còn mạnh. Quí vị có nguồn thu nhập chính là dầu hỏa. Một yếu tố khác có thể đã tác động đến các thị trường chứng khoán, là giá dầu giảm. Hôm nay một thùng dầu đang ở dưới 90 đôla.”
Nhưng về lâu về dài, ông Habib ít lạc quan hơn, nhất là trong trường hợp kế hoạch cứu nguy của Hoa Kỳ, nhằm mua lại các tài sản mất giá, không giúp ngăn chận được thế giới khỏi rơi vào tình trạng suy trầm. Ông cho biết:
Ông Habib phân tích: “Nếu cuộc khủng hoảng tài chính này biến thành tình trạng suy trầm, tỷ như một cuộc suy trầm toàn cầu, thì về đường dài nó có thể ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán của các quốc gia thuộc Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh, nếu nó cứ kéo dài. Nếu các biện pháp của kế hoạch không trấn áp được cuộc khủng hoảng, nếu các biện pháp này không thành công, dĩ nhiên sẽ có nhiều lo âu.”
Một nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm trong vùng Vịnh nói với chương trình tiếng Arập của đài CNBC của Mỹ rằng một không khí hốt hoảng toàn cầu đang bao trùm tất cả các thị trường quốc tế. Và ông kết luận rằng rất khó biết chắc khi nào thì sự hốt hoảng này sẽ chấm dứt.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1