Hoa Kỳ đã phối hợp với nhiều nước trên thế giới để tìm cách ngăn chận một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Quĩ dự trữ liên bang Hoa Kỳ đã loan báo cắt giảm lãi suất chính 0,5% hồi sáng thứ tư trong lúc các ngân hàng trung ương của Anh, Trung Quốc và Âu Châu cũng có những hành động tương tự. Thông tín viên Mil Acerga của đài VOA có bài tường thuật chi tiết sau đây.
Những vụ cắt giảm lãi suất đã được thực hiện trong lúc các thị trường tài chánh toàn cầu bị tác động bởi vụ khủng hoảng tài chánh ở Mỹ.
Tại Anh, nơi đã có những ngân hàng nổi tiếng bị sụp đổ, các nhà đầu tư đang mất niềm tin. "Chúng tôi vừa trải qua một trận sóng thần. Tất cả mọi thứ đều sụp đổ."
Tại Á Châu, các thị trường chứng khoán tiếp tục sụt giá mạnh trong ngày thứ tư, với thị trường Hồng Kông sụt 8% và thị trường Tokyo sụt gần 10%.
Thủ tướng Anh, ông Gordon Brown nói rằng việc cắt giảm lãi suất là một 'tín hiệu quan trọng' cho mọi người thấy rằng các nước trên thế giới đang sẵn sàng để sát cánh với nhau trong việc đối phó với các vấn đề kinh tế.
Ông Brown nói: "Tôi tin rằng: nhờ vào hành động có phối hợp nhịp nhàng và dẫn đầu thế giới hợp tác với nhau, chúng ta có thể giúp cho hệ thống ngân hàng được vững mạnh trở lại và đó chính là chìa khóa cho tương lai.
Bộ trưởng Tài chánh Hoa Kỳ Henry Paulson cho biết: việc cắt giảm lãi suất của Quĩ dự trữ liên bang chỉ là một bước khởi đầu.
Ông Paulson nói: "Cuối tuần này chúng tôi sẽ gặp gỡ các bạn đồng nghiệp trong khối G-7 để thảo luận về những biện pháp mà mỗi nước đang thực hiện và những phương cách để cải thiện thêm nữa những nỗ lực chung của chúng tôi."
Mặc dù vậy, các nhà đầu tư vẫn chưa tin tưởng hoàn toàn. Tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm gần 2% vào cuối ngày giao dịch hôm thứ tư. Ông David Henderson, một nhà mua bán chứng khoán cho biết như sau.
Ông Henderson nói: "Tôi nghĩ rằng nhiều người đang lo sợ. Mọi người đều thấy được là có sự phối hợp giữa các ngân hàng trung ương, thấy được việc họ cắt giảm lãi suất. Đó là điều tốt. Nhưng trên cơ bản thì thiệt hại đã xảy ra rồi."
Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế tin rằng hành động của các ngân hàng trung ương là một hành động hữu ích. Kinh tế gia trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, ông Olivier Bernard, nói rằng những hành động này được thực hiện trong khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại.
Ông Bernard nói: "Vì có sự ổn định của giá dầu thô và giá của các loại nông khoáng sản, nên phạm vi để sử dụng các chính sách tiền tệ đã được nới rộng đáng kể tại hầu hết các nước tiên tiến. Việc cắt giảm lãi suất có phối hợp được thực hiện sáng nay rõ ràng là một bước tiến đúng hướng."
Các giới chức chính phủ hy vọng rằng lãi suất thấp sẽ giúp giải tỏa tình trạng co cụm tín dụng - là tình trạng đã khiến cho việc vận hành của một số công ty gặp phải rất nhiều khó khăn.