Đường dẫn truy cập

Bầu cử ở Mỹ: Ðại cử tri đoàn bầu tổng thống


Khi hàng triệu người Mỹ đi đầu phiếu trong cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ vào ngày 4 tháng 11, thì những phiếu bầu của họ không trực tiếp đưa một trong hai ứng cử viên vào thẳng trong Tòa Bạch Ốc. Trong bài nói về cách thức bầu cử tại Hoa Kỳ kỳ này, biên tập viên Jeffrey Young của đài VOA giải thích rằng việc bầu chọn một Tổng Thống thực ra là do một đại cử tri đoàn thực hiện.

Vào đêm bầu cử, dân chúng trên khắp nước Mỹ sẽ tập trung theo dõi các bản đồ với những bang tô màu xanh hay màu đỏ, để xem ứng cử viên Tổng Thống của Đảng Dân Chủ hay của ứng cử viên của Đảng Cộng Hòa chiếm được nhiều phiếu phổ thông nhất, trong khi các phiếu bầu đang tiếp tục được kiểm. Nhưng con số duy nhất sẽ đưa một trong hai ứng cử viên vào Tòa Bạch Ốc là con số: 270.

Vào ngày 15 tháng 12, tổng cộng 538 người sẽ tụ tập tại 50 bang và khu vực thủ đô Washington để đi đầu phiếu. Những người này là các đại cử tri thuộc một định chế được gọi là Đại Cử Tri Đoàn. Định chế này được thành lập theo tinh thần của Hiến Pháp Hoa Kỳ để bầu Tổng Thống Mỹ.

Giáo Sư Curtis Gans thuộc Đại Học American mô tả cách thức để xác định con số đại cử tri cho mỗi bang.

Giáo sự Gans nói: “Về mặt số liệu, thì con số các đại cử tri tương đương với số thành viên trong phái đoàn đại biểu Quốc Hội tại mỗi bang, tức là 2 Thượng Nghị Sĩ, cộng với con số các dân biểu trong Hạ Viện, con số này thay đổi tùy theo mỗi bang. Các đại biểu này được bầu theo nguyên tắc bên nào đoạt được nhiều phiếu nhất sẽ chiếm toàn bộ số phiếu đại cử tri của bang liên hệ.”

Có hai trường hợp ngoại lệ không đi theo quy tắc chung vừa kể. Đó là bang Nebraska và bang Maine. Hai bang này chỉ định con số đại cử tri dựa trên tỷ lệ dựa trên kết quả cuộc phổ thông đầu phiếu.

Giáo sư Dennis Johnson của Đại Học George Washington nói Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa tuyệt đối tập chú vào nỗ lực nhằm chiếm được con số đa số, ở đây là 538 phiếu.
Ông nhận định tiếp như sau:

Giáo sư Johnson nói: “Khi nghĩ đến chiến lược cho một cuộc bầu cử, con số quan trọng nhất là 270. Đó là con số các đại cử tri có thể giúp một ứng cử viên trở thành Tổng Thống Mỹ. Như vậy, nếu đem cộng bất cứ các bang nào lại với nhau để có đủ số 270 phiếu đại cử tri, thì đó là con số thần tiên mà mỗi ứng cử viên phải cố gắng đạt cho được.”

Tuy nhiên đường lối mà mỗi ứng cử viên đeo đuổi các bang giúp họ hội đủ túc số ấy lại khác nhau, như lời giải thích của Giáo Sư Gans.

Giáo sư Gans nói: “Mỗi ứng cử viên Tổng Thống tại Mỹ, một đất nước bị phân cực, ngay từ đầu phải tính xem bang nào rõ rệt là thuộc về họ, và bang mà chắc chắn họ sẽ thua.”

Ở khoảng giữa hai bang thắng và thua, là con số các bang có thể ngả về bất cứ ứng cử viên nào. Đó là nơi mà các chính khách Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa dồn các nỗ lực lớn nhất để chiếm lấy.

Nhà chiến lược của Đảng Dân Chủ, ông Peter Fenn, nói: “Các ứng cử viên thực sự phải đưa ra những chọn lựa vô cùng khó khăn khi ra vận động, họ phải tính xem vận động ở đâu, nơi nào phải chi nhiều tiền bạc nhất, và phải dồn nỗ lực vào những nơi nào để đoạt được “50% cộng một” phiếu ở mỗi bang, là điều kiện sẽ đưa một ứng cử viên vào chức vụ cao nhất nước.”

Các bang chưa dứt khoát ngả về ứng cử viên nào, được gọi là các “bang chiến trường”. Đôi khi, các bang này có thể trở thành những vở kịch đầy gây cấn, được cả nước Mỹ theo dõi.

Một chuyện như vậy đã xảy ra hồi năm 2000, trong cuộc đối đầu giữa ứng cử viên Tổng Thống Đảng Dân Chủ Al Gore và ứng cử viên Tổng Thống Đảng Cộng Hòa George W. Bush. Số phiếu phổ thông của ông Gore cao hơn ông Bush khoảng nửa triệu phiếu, nếu tính trên cả nước Mỹ.

Tuy nhiên ở bang Florida, số phiếu phổ thông sít sao đến nỗi phải thực hiện một cuộc kiểm phiếu thứ nhì. Cả hai bên đối đầu nhau trong nhiều tuần lễ về cách thức tiến hành cuộc tái kiểm phiếu.

Phe của ông Bush đã đưa vấn đề lên tận Tòa Án Tối Cao. Ngày 13 tháng 12, tòa tối cao Hoa Kỳ chấm dứt cuộc tái kiểm phiếu đó. 25 lá phiếu đại cử tri tại bang Florida đã đưa ông Bush vào Tòa Bạch Ốc với tổng cộng 271 đại cử tri, so với ông Gore, chỉ chiếm được 266 đại cử tri.

Cả hai chính đảng lớn của Hoa Kỳ đều bám rễ vào định chế bầu theo Đại Cử Tri Đoàn hiện nay, đến nỗi Giáo Sư Dennis Johynson dự kiến cả hai đảng sẽ không chịu đổi sang phương thức bầu cử đại diện theo tỷ lệ, hoặc bầu cử phổ thông trực tiếp.

Giáo Sư Dennis kết luận: “Các chính đảng hiện nay đang nhìn lại chiến lược bầu cử, và khi theo dõi cái bản đồ, họ sẽ nói: theo quan điểm của chúng tôi, thì cứ nên duy trì nguyên trạng như trước - tức là ai có nhiều phiếu phổ thông trong một bang sẽ lấy hết phiếu đại cử tri đoàn của bang đó.”



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG