Các nhà lãnh đạo Á Âu sắp đến Bắc Kinh để thảo luận về các phương sách đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Châu Âu muốn có hậu thuẫn của Trung Quốc và các đại cường Á Châu khác về cuộc khủng hoảng này, cũng như về các vấn đề biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Từ Bắc Kinh, thông tín viên đài VOA Daniel Schearf gửi về bài tường thuật sau đây.
Các nhà lãnh đạo của hơn 40 quốc gia Á Âu sẽ mở hai ngày đàm phán tại thủ đô Trung Quốc. Cuộc họp Á-Âu lần thứ bảy, còn gọi là ASEM này, sẽ bắt đầu vào ngày mai và tập trung vào việc xây dựng lại lòng tin toàn cầu trước tình trạng trì trệ kinh tế trên toàn thế giới. Các nhà lãnh đạo Âu Châu muốn thấy có thêm sử ủng hộ của Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước đang tăng trưởng nhanh.
Chủ tịch Ủy hội Âu Châu Jose Manuel Barroso nói với các phóng viên rằng không có nước nào được miễn trừ trước cuộc khủng hoảng này. Ông cho rằng hệ thống tài chính quốc tế cần những cải cách sâu rộng và muốn đạt được các kết quả thì Châu Á phải tham gia.
Ông Barroso nói: “Chúng ta đang ở vào thời đại rất khác thường, và chúng ta cần phải có sự phối hợp cũng ở các mức rất khác thường. Điều đó rất giản dị. Hoặc chúng ta cùng bơi, hoặc chúng ta cùng chết chìm.”
Ông Barroso nói rằng cuộc khủng hoảng tài chính không phải là nguyên do duy nhất gây ra tình trạng trì trệ kinh tế trên toàn cầu.Ông cho rằng những lý do khác là sự mất quân bình nghiêm trọng và các vấn đề về chính sách tiền tệ.
Ông Barroso nói: “Chẳng hạn, nếu ta nhìn vào mức dự trữ của một số quốc gia và mức độ tiêu thụ, hay nhu cầu nội địa, so với các nước lớn khác có vai trò quan trọng. Đó là một trong những lý do tôi thực sự tin rằng Trung Quốc có tiếng nói và nhân dịp này, vì lợi ích của Trung Quốc, phải tham gia tích cực vào trật tự tài chính mới sắp được xác lập.”
Trung Quốc có gần 2,000 tỷ đôla về trữ lượng ngoại tế và đã bị áp lực phải hạ giá chỉ tệ của họ. Các chính phủ khác cũng hy vọng Bắc Kinh có teh kích thích mức tiêu thụ trong nước, để giảm thiểu sự tai hại do nhu cầu trì trệ tại Châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho hay họ đang theo dõi sát cuộc khủng hoảng toàn cầu và đang cứu xét các biện pháp nào là cần thiết để duy trì sự ổn định. Cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo Âu Á là một cơ hội để bàn luận về những mối quan tâm chung, và sẽ không đưa ra các thỏa thuận có tính cách bắt buộc.
Trong cuộc họp này, các nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về sự biến đổi khí hậu. Châu Âu muốn các nước phát triển tân tiến như Trung Quốc phải có những cam kết cụ thể hơn nhằm giảm thiểu lượng khí thải có hiệu ứng nhà kính.
Ông Barroso cho biết ông hy vọng thế giới không phạm phải lỗi lầm về vấn đề biến đổi khí hậu như đã phạm đối với cuộc khủng hoảng tài chính. Ông nói rằng khi nhìn thấy một vấn đề nghiêm trọng sắp xảy ra, thì các quốc gia không nên trì hoãn các giải pháp.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1