Đường dẫn truy cập

Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu khai mạc tại Bắc Kinh


Các nhà lãnh đạo Á Châu và Âu Châu đang họp tại thủ đô Trung Quốc để bàn về cách gia tăng niềm tin của giới đầu tư trên thị trường thế giới. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nói rằng tính chất bất định và bất ổn đang gia tăng trong nền kinh tế Trung Quốc vì vụ khủng hoảng tài chánh toàn cầu. Mời quí vị theo dõi thêm chi tiết dựa theo tường thuật do thông tín viên đài VOA Daniel Schearf gởi về từ Bắc Kinh.

Các nhà lãnh đạo của hơn 40 nền kinh tế Á Châu và Âu Châu đã họp tại Bắc Kinh để cổ xướng cho tình đoàn kết nhắm đối phó với vụ khủng hoảng.

Các vấn đề tài chánh toàn cầu nằm hàng đầu trong nghị trình thảo luận ngày hôm nay khi các nhà lãnh đạo dự lễ khai mạc hội nghị cấp cao ASEM.

Phát biểu trong bài diễn văn khai mạc được truyền hình trực tiếp, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nói rằng vụ khủng hoảng đã làm tăng tính chất bất ổn trong nền kinh tế Trung Quốc và cần có những nỗ lực có phối hợp để củng cố cho các nền kinh tế đang phụ thuộc lẫn nhau.

Theo lời nhà lãnh đạo Trung Quốc, kinh tế của nước ông đang phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức. Ông nói rằng duy trì tình trạng tốt đẹp của kinh tế Trung Quốc tự nó là một đóng góp quan trọng cho sự ổn định của thị trường tài chánh toàn cầu và sự phát triển kinh tế của cả thế giới.

Trước đó trong ngày hôm nay, các nước Đông Nam Á cùng với Trung Quốc, Nhật bản và Nam Triều Tiên đã đồng ý thành lập một quĩ tiền tệ 80 tỉ đô la để chống chọi với những tác động của vụ khủng hoảng hiện nay.

Mặc dầu vậy, các thị trường chứng khoán Á Châu tiếp tục giảm mạnh. Chỉ số Hằng Sinh ở Hồng Kông giảm tới mức thấp nhất trong vòng 4 năm trong khi chỉ số chính của thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm. Các thị trường ở Nhật bản và Nam Triều Tiên cũng bị sút giảm mạnh.

Chủ tịch Ủy hội Âu Châu Jose Manuel Barroso nói rằng Á Châu và Âu Châu cần phải làm việc chung với các đối tác khác trên thế giới để khôi phục tăng trưởng, ổn định và niềm tin.

Chúng ta không thể ứng phó với những thách đố này bằng cách đóng cửa và tự lo lấy công việc của riêng mình. Tất cả chúng ta đều hưởng lợi từ công cuộc mậu dịch và từ một môi trường doanh thương cởi mở. Vì vậy, chúng ta phải kiên quyết chống lại những đòi hỏi mang tính chất bảo hộ mậu dịch, cô lập, và những chủ trương quốc gia cực đoan về mặt kinh tế. Điều đó chỉ gây phương hại cho quyền lợi của chúng ta và làm thương tổn cho triển vọng hồi phục.

Mặc dù vụ khủng hoảng tài chánh là trọng tâm của hội nghị, ông Barroso cũng nói rằng có một điều cũng quan trọng không kém là các nước cần hợp tác để đối phó với nhiều vấn đề cấp bách của thế giới.

Hộïi nghị này cũng sẽ bàn về sự hợp tác trong các lãnh vực biến đổi khí hậu, phát triển lâu bền, an ninh năng lượng và các vấn đề khác.

Âu Châu muốn các nước tiến bộ nhiều hơn trong thế giới đang phát triển như Trung Quốc và Ấn độ có cam kết nhiều hơn nữa trong việc giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Tuy nhiên, hội nghị ASEM chỉ là dịp để các nước bàn bạc với nhau và chứng tỏ tinh thần hợp tác; và vì thế cuộc họp này sẽ không mang lại thỏa thuận nào có tính chất cưỡng hành.

Theo tin của Tân Hoa Xã của Trung Quốc: tại hội nghị này, các giới chức Trung Quốc sẽ trình bày một đề nghị về việc xây dựng điều mà họ gọi là 'một mạng lưới thành phố môi sinh' ở Á Châu. Bản tin của Tân Hoa Xã không cho biết thêm chi tiết.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG