Thị trường chứng khoán châu Âu giảm giá hôm thứ sáu trong lúc trước đó các thị trường tại châu Á lên xuống không đồng nhất. Viễn cảnh bi quan về giá dầu đã tác động đến các thị trường trên toàn cầu trong lúc các giá cổ phiếu trong ngành dầu hỏa rớt xuống mức thấp nhất so với trong vòng 5 năm qua. Từ London, Thông tín viên Tom Rivers của đài VOA gởi về bài tường trình sau đây.
Giá chứng khoán trên các thị trường châu Âu nhìn chung giảm trong lúc tình hình bi quan của giá cổ phiếu trong ngành năng lượng khiến các nhà đầu tư e ngại.
Trước đó tại châu Á, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã hạ lãi suất chính xuống còn 0,10%. Chính phủ Nhật Bản dự đoán nền kinh tế của nước họ sẽ rơi vào tình trạng tăng trưởng âm cho đến năm 2010.
Cơn bão khủng hoảng kinh tế đang ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất khẩu của nước này. Nhiều nguồn tin cho hay tuần tới hãng sản xuất ô-tô lớn nhất Nhật Bản là Toyota sẽ lần đầu tiên loan báo thua lỗ trong hoạt động kinh doanh.
Doanh số của Toyota giảm mạnh do đồng yen tăng giá khiến cho hàng hóa của Nhật Bản xuất khẩu ra thị trường nước ngoài trở nên cao giá hơn.
Tại Anh Quốc, Thủ tướng Gordon Brown vừa chủ trì một cuộc họp báo hàng tháng cuối cùng của năm nay. Phát biểu về những khó khăn trong giai đoạn tới, nhấn mạnh rằng cách duy nhất để vượt qua tình trạng suy thoái hiện nay là cần phải có một sự phối hợp hành động toàn cầu.
Thủ tướng Brown nói: “Nếu năm 2008 là năm chúng ta phải đương đầu với tình trạng suy thoái toàn cầu, thì năm 2009 phải là năm thế giới phối hợp hành động với nhau, cùng đầu tư xây dựng một tương lai thịnh vượng trong lúc vẫn tiếp tục trợ giúp thực sự cho người dân và doanh nghiệp vào lúc này. Và những nước nào tiếp tục đầu tư cho tương lai trong thời kỳ kinh tế suy thoái hiện nay sẽ là những nước trỗi dậy mạnh hơn trong tương lai.”
Ông Brown nói rằng tại Anh Quốc và tại những nước khác, những biện pháp đúng đắn đang được thực hiện để đối phó với những khó khăn của tình trạng suy thoái kinh tế, tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh rằng cần phải có thời gian mới có thể thấy được hiệu quả của những nỗ lực này trong toàn bộ hệ thống.
Thủ tướng Anh nói: “Điều đáng tiếc là chúng ta trở thành nạn nhân của cuộc suy thoái. Điều đáng tiếc là một cuộc khủng hoảng tài chánh đã lây lan và tác động đến mọi lãnh vực trong nền kinh tế của chúng ta. Tuy nhiên chúng ta đang ở vào một tư thế mạnh để đối phó với tình huống này, như chúng ta đã hạ lãi suất, chúng ta đã bơm thêm tiền mặt vào hệ thống tài chánh. Nền kinh tế của chúng ta vẫn giữ được khả năng cạnh tranh và trong vài tháng nữa chúng ta sẽ thấy việc giá dầu giảm và giá lương thực–thực phẩm giảm, mức sống của người dân sẽ tăng lên.”
Mặc dầu giá dầu đã giảm từ mức gần 150 đôla xuống còn 40 đôla một thùng trong sáu tháng qua, Thủ tướng Brown cảnh báo rằng giá cả trồi sụt bất thường sẽ tiếp tục là một thách thức lớn.
Thêm vào những tin tức bi quan này là dự đoán của một hiệp hội ngân hàng có uy tín cao nói rằng cuộc suy thoái kinh tế vẫn chưa đi đến mức độ nghiêm trọng nhất của nó.
Viện Nghiên cứu Tài chánh Quốc tế, một tổ chức đại diện cho hơn 375 ngân hàng và định chế tài chánh lớn trên thế giới, nói rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm 0,4% trong năm 2009 sau khi đạt mức 2% trong năm nay.
Ông Charles Dallara, tổng giám đốc Viện Nghiên cứu Tài chánh Quốc tế, khi trình bày phúc trình của viện này tại một cuộc họp báo ở Washington đã gọi tình trạng hiện nay là ‘cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu nghiêm trọng nhất trong lịch sử kinh tế hiện đại.’
Các nền kinh tế lớn trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, khối 15 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu và Nhật Bản, tức là những nền kinh tế đang rơi vào suy thoái theo ước đoán sẽ giảm sút 1,4% trong cuộc khủng hoảng tài chánh được xem là nghiêm trọng nhất tính từ cuộc Đại Suy thoái Kinh tế của thập kỷ 1930.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1