Viện Tài chính Quốc tế, một hiệp hội của các định chế tài chính trên thế giới, có trụ sở trong thủ đô Washington, công bố bản dự đoán bi quan về tình hình kinh tế nói rằng hoạt động của tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới hoặc sẽ yếu kém hoặc sẽ bị suy trầm. Từ thủ đô Hoa Kỳ Thông tín viên đài VOA Barry Wood tường thuật về vấn đề này như sau.
Theo dự đoán của Viện Tài chính Quốc tế thì tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2009 sẽ ở mức âm, và đây là lần đầu tiên tình trạng này xảy ra, kể từ năm 1960, là năm mà các số thống kế đáng tin cậy bắt đầu được thu thập. Theo con số dự phóng của tổ chức này thì tăng trưởng trong năm 2009 là âm 0,4% so với tỉ lệ tăng trưởng của năm 2008 là gần 2%.
Ông Philip Suttle chuyên gia soạn tài liệu này giải thích: “Kinh tế toàn cầu đã giảm khoảng 0,5% điểm, nghe thì không có gì là nhiều lắm. Tuy nhiên, tình hình này quả là rất quan trọng, khi chúng ta nhận thấy rằng trên cơ bản chưa bao giờ xảy ra trường hợp kinh tế của cả thế giới co cụm lại. Vì nếu xảy ra tình trạng khu vực kinh tế này bị suy trầm thì luôn luôn sự tăng trưởng của khu vực kinh tế khác đủ để bù đắp, và điều này cũng đúng ngay cả trong các nước công nghiệp hàng đầu.”
Theo dự phóng thì tình trạng suy trầm kinh tế hiện nay sẽ còn tiếp tục diễn ra trong một số các nền kinh tế lớn nhất thế giới, như Hoa Kỳ, khu vực Tây Âu và Nhật Bản; mỗi khu vực kinh tế đó được tiên liệu sẽ giảm khoảng 1,5% trong năm 2009.
Tăng trưởng cũng sẽ chậm lại rất nhiều trong các nền kinh tế mới nổi, như tăng trưởng của Trung Quốc theo dự phóng sẽ giảm xuống còn 6,5% và Ấn Độ sẽ giảm xuống còn 5%. Kinh tế gia Suttle nói rằng lo ngại lớn nhất của ông là tình trạng yếu kém cứ dắt dây nhau.
Ông Suttle nói: “Một trong những điều rất đáng báo động về tình hình hiện nay là đà thay đổi nhanh chóng của mọi chuyện. Chỉ mới 3 hay 4 tháng trước đây, chúng tôi dự đoán là tăng trưởng sẽ chậm, nhưng không tiên liệu suy trầm ngay. Và chúng tôi đã nhìn thấy sự thay đổi trong các tình huống hiện nay, không chỉ rõ rệt ở Hoa Kỳ, mà còn cả trong các nền kinh tế lớn khác trên thế giới.”
Một chỉ dấu cho thấy mức độ tăng trưởng chậm của hoạt động kinh tế là giá dầu tuột dốc mạnh. Chỉ mới 4 tháng trước dầu được bán ở mức giá cao kỷ lục là 143 đôla một thùng. Tuy nhiên vì mức cầu về dầu giảm mạnh, giá dầu cũng giảm theo; giá một thùng dầu bây giờ đã hạ xuống 75% xuống chỉ còn 35 đôla một thùng.
Các chuyên gia không đồng ý với nhau về việc liệu tình hình suy trầm kinh tế toàn cầu sẽ kéo dài lâu hay mau. Ông Suttle ca ngợi giới hữu trách Hoa Kỳ nhanh chóng đưa ra hành động, với các chính sách thích hợp, và ông tin là các nước châu Âu quá chậm chạp.
Viện Tài chính Quốc tế, cũng như các chuyên gia phân tích về kinh tế khác, không muốn so sánh giữa tình hình kinh tế suy sụp hiện nay với Cuộc Đại Suy thoái xảy ra trong thập kỷ 1930, là thời kỳ mà tỉ lệ thất nghiệp ở Hoa Kỳ lên đến 25%. Ông Suttle nói rằng mức thất nghiệp tại Hoa Kỳ và các nước châu Âu trong tình hình kinh tế suy sụp hiện nay có phần chắc không tăng lên quá 8%.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1