Đường dẫn truy cập

'Một thoáng Bình yên', Hình ảnh VN dưới góc nhìn của nữ ký giả Mỹ


Khi tìm hiểu về những cuốn sách viết về đề tài Việt Nam của các tác giả nước ngoài, Minh Anh tìm thấy một cuốn sách khá độc đáo có tựa đề ‘Vietnam Moment.’ Cuốn sách với hàng trăm bức hình mô tả cuộc sống đời thường của người dân Việt Nam với những câu thành ngữ hay những vần thơ được kết hợp rất công phu để mô tả mỗi tấm hình. Cuốn sách đưa người đọc đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác với những hình ảnh thật bình dị nhưng khi kết hợp với những câu thành ngữ dí dỏm thì những bức hình đó trở nên sống động hơn. Trong chuyên mục phụ nữ kỳ này, Minh Anh xin giới thiệu đến quí vị hai đồng tác giả của cuốn sách là bà Brenda Paik Sunoo và bà Tôn Nữ Thu Nguyệt.

Bà Brenda Paik Sunoo là một nhà báo, một nhiếp ảnh gia người Mỹ gốc Nam Triều Tiên. Trước khi đến Việt Nam, cũng như nhiều người Mỹ khác, bà chỉ biết đến đất nước này với những hình ảnh về cuộc chiến tranh, hay qua việc giao tiếp với một số nhà hoạt động phản chiến từ những năm 1970 hoặc qua một số ít những buổi ăn tối với một số người Việt ở California.

Cơ hội được thực sự sống và tiếp xúc với người dân Việt Nam chỉ đến với bà khi chồng bà, ông Jan Sunoo sang làm việc ở Việt Nam cho Tổ chức Lao động Quốc tế tại Hà Nội vào năm 2002.

Trước chuyến đi tới đất nước xa xôi ấy, bà cũng không thể hình dung nổi cuộc sống của bà trong những năm tháng sắp tới sẽ ra sao? Và liệu người dân Việt Nam có còn hận thù với những người Mỹ đã từng là kẻ thù của họ trong cuộc chiến hay không? Và họ sẽ đón nhận những người Mỹ như vợ chồng bà như thế nào?

Tuy nhiên những lo âu ấy dường như tan biến hết khi bà bắt đầu cuộc sống mới ở Việt Nam.

"Khi chúng tôi tới Việt Nam, cả hai chúng tôi đều rất ngạc nhiên khi thấy người Việt Nam rất cở mở và thân thiện với người nước ngoài kể cả người Mỹ, mặc dù trước đó đã có người nói với chúng tôi điều này nhưng đó vẫn là điều hết sức bất ngờ. Không chỉ là những người dân ở Hà Nội mà cả những người dân ở mọi miền Việt Nam, những nơi mà chúng tôi đã từng tới thăm."

Bà Sunoo nói thêm:

“Bởi lịch sử chiến tranh giữa hai nước đã khiến chúng tôi nghĩ rằng có thể những người Mỹ không được chào đón ở nơi đây, nhưng sau thời gian tìm hiểu thêm về con người Việt Nam thì tôi thấy rằng mặc dù trải qua nhiều cuộc chiến tranh với các nước như Trung Quốc, Pháp và Hoa Kỳ, nhưng người Việt Nam vẫn rất đặc biệt khi họ luôn cố gắng thu hẹp khoảng cách về văn hoá giữa họ với những người nước ngoài tới Việt Nam trong khi vẫn giữ được bản sắc riêng của mình. Họ cũng không tỏ ra cay đắng hay tức giận về quá khứ mặc dù họ không bao giờ quên đi quá khứ. Và họ biết rằng ngay cả khi quí vị là người Mỹ thì mối quan hệ này chỉ là mối quan hệ giữa người dân hai nước với nhau và chúng tôi không đại diện cho chính phủ.”

Chính hình ảnh về những con người chân thật ấy, chính những tình cảm mà họ dành cho bà cùng với những câu mà họ thường hỏi về suy nghĩ của bà đối với đất nước Việt Nam, đã thôi thúc bà phải làm điều gì đó để bày tỏ cảm nhận của bà đối với đất nước Việt Nam. Bà cũng muốn nói lên rằng sự hàn gắn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam không chỉ diễn ra trên lĩnh vực chính trị hay kinh tế mà còn trên mối quan hệ giữa người dân hai nước với nhau.

Vốn là một nhiếp ảnh gia, niềm đam mê nghề nghiệp của bà càng được thôi thúc khi bà bắt gặp những hình ảnh bình dị trong cuộc sống hàng ngày của những người dân thường Việt Nam."

Bà cũng nhận thấy Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng trong những năm qua và sự phát triển kinh tế đã khiến cho cuộc sống ở đây trở nên hối hả hơn, tuy vậy người dân Việt Nam vẫn tìm được những khoảnh khắc bình thản trong cuộc sống, những cụ già vẫn chiều chiều ra bờ hồ ngồi hóng mát hay những đôi lứa thanh niên vẫn tìm chốn công viên để hò hẹn.

Bà đã nảy sinh ra ý tưởng kết hợp những hình ảnh rất đỗi đời thường ấy với những gì gần gũi với văn hoá dân gian của người Việt Nam. Ý tưởng về cuốn ‘Vietnam Moment,’ được dịch sang tiếng Việt là ‘Một thoáng Bình yên,’ đã ra đời từ đó. Và một lý do nữa đã củng cố thêm cho ý tưởng này của bà.

“Một điều quan trọng nữa đối với tôi là tôi muốn để lại một điều gì đó cho thế hệ mai sau và để chứng tỏ rằng hai người phụ nữ, hai người mẹ, một người Mỹ và một người Việt Nam mà trước đây có thể bị coi là kẻ thù, thì giờ đây lại có thể hợp tác với nhau, có thể trở thành những người bạn và cùng làm nên một tác phẩm để kết hợp những vẻ đẹp của Việt Nam trong một cuốn sách.”

Người phụ nữ mà bà Brenda nhắc đến chính là giáo viên dạy tiếng Việt của bà, bà Tôn Nữ Thu Nguyệt, người đã từng chứng kiến những năm tháng đau thương của chiến tranh nhưng giờ đây vẫn sẵn sàng trở thành một người bạn, một người có thể chia sẻ những kiến thức về văn hoá Việt Nam với bà.

Với hàng trăm bức hình bà đã chụp trong thời gian sống và đi du lịch ở nhiều miền đất nước Việt Nam bà Brenda muốn kết hợp những hình ảnh đó với những câu thành ngữ hay những vần thơ Việt Nam để tạo nên một tác phẩm có ý nghĩa nội tâm sâu sắc, dí dỏm và đi vào lòng người.

Hai người phụ nữ háo hức bắt tay thực hiện dự án đầy thú vị nhưng cũng nhiều gian nan, như lời bà Nguyệt tâm sự:

“Khi bắt đầu làm thì tưởng là mọi thứ rất dễ dàng và trơn tru nhưng không ngờ trong quá trình làm mới bắt đầu mở ra những thứ khá là khó ví dụ như về ngôn ngữ, thực ra chị cũng đi dạy tiếng Anh lâu năm và cũng đi dạy tiếng Việt cho người nước ngoài nhưng tất nhiên là để hai văn hoá hiểu nhau, hay có thể nói là giao thoa văn hoá giữa hai nước vẫn còn nhiều khoảng cách, có thể mình hiểu thế này nhưng chị ấy lại hiểu theo cách khác.”

Bà Nguyệt cũng kể rằng có đêm hai người thức tới 1 hay 2 giờ sáng để tìm cho ra một câu thơ hay tục ngữ cho một bức tranh và có lần hai người cũng đã có những cuộc tranh luận sôi nổi và có khi gay gắt khi không thể thống nhất về một câu thành ngữ. Ví dụ như bức hình về một đôi nam nữ đang quấn quít bên nhau trên ghế đá công viên:

“Khi chị nhìn bức hình này của chị Brenda thì chị nghĩ ngay đến câu mà cuối cùng được đưa vào quyển sách là câu ‘lửa gần rơm lâu ngày cũng bén’, nhưng mà khi chị chọn câu này rồi thì chị Brenda lại đưa cho bạn bè xem và một số bạn bè lại nói có câu ‘ăn cơm trước kẻng’ hay hơn và chị Brenda cũng thích câu này. Đến lúc chị lên làm việc tiếp chị Brenda nói là chọn câu này thì chị dứt khoát không chịu và chị phải kể lại lịch sử cho chị Brenda là tại sao lại có câu ‘ăn cơm trước kẻng’ này.”

Nhưng chính những buổi tranh luận ấy là điều khiến bà Brenda nhớ nhất trong suốt quá trình thực hiện cuốn sách.

“Mặc dù cả hai chúng tôi đều nói tiếng Anh, nhưng Nguyệt là người hiểu về văn hoá Việt Nam còn tôi là người Mỹ và một phần độc giả cũng là người Mỹ, vì vậy chúng tôi phải tranh luận để tìm hiểu xem những điều có thể lôi cuốn độc giả Mỹ hay độc giả Nam Triều Tiên thì khác những điều có thể hấp dẫn độc giả Việt Nam như thế nào, điều đó thật thú vị. Chúng tôi phải tranh luận để làm sao có thể vẫn giữ được ý định ban đầu cũng như nét văn hoá của Việt Nam mà vẫn có thể linh hoạt đưa vào cuốn sách những khía cạnh dí dỏm hài hước, mà độc giả người Mỹ thì rất thích điều này.”

Một bức hình cũng khá thú vị nữa trong cuốn sách trong đó có hình một chiếc xe gắn máy chở một con heo giống, nếu quí vị được đề nghị tìm một câu thành ngữ cho bức hình, quí vị sẽ tìm câu nào? Chúng ta hãy nghe xem chi Nguyệt và Brenda cuối cùng đã tìm câu thành ngữ nào cho bức hình này, một bức hình mà theo chi Nguyệt là khó tìm thành ngữ nhất trong cuốn sách:

“Thật ra câu này là chị tắc, chị tìm mãi không ra, tìm trên mạng và hỏi những người ở nông thôn nhưng không ai tìm ra được. Chị và chị Brenda đã tìm đến anh Trịnh Lữ, một người rất giỏi và anh ấy đã tìm ra được câu ‘lấy vợ chọn tông, lấy chồng chọn giống’, nghe rất là dí dỏm.”

Đây là một sự kết hợp thật bất ngờ chỉ với hình ảnh giản dị mà chúng ta vẫn thường thấy trong cuộc sống thường nhật của người dân nông thôn Việt Nam.

Bà Brenda nói rằng mặc dù những bức ảnh của bà là chất xúc tác nhưng công việc sưu tầm và biện dịch nội dung để lột tả những hình ảnh này của bà Nguyệt còn công phu hơn rất nhiều.

Cho tới nay cuốn sách đã được xuất bản bằng 3 ngôn ngữ, tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Triều Tiên, và đã nhận được rất nhiều lời khen và phản hồi của độïc giả.

Với việc kết hợp những câu thành ngữ, những vần thơ mang đậm nét văn hoá của Việt Nam vào từng bức hình về đời sống của người dân Việt Nam hiện tại, bà Brenda mong muốn phần nào thay đổi hình ảnh về Việt Nam trong mắt của những người nước ngoài, những người vẫn liên tưởng tới Việt Nam bằng những hình ảnh của cuộc chiến tranh trong quá khứ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG