Sau nhiều năm thảo luận và tranh cãi dưới sự theo dõi và hối thúc của các tổ chức thuộc xã hội dân sự, các vị ngoại trưởng ASEAN đã đồng ý thành lập một cơ chế nhân quyền để cổ xướng cho khái niệm về quyền con người ở 10 quốc gia vùng Đông Nam Á. Đối với ủy ban có tên gọi chính thức là Ủy ban Liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền, các nhân vật hoạt động cho quyền con người Việt Nam – cũng như những người bạn đồng sự của họ ở Đông Nam Á và những nơi khác trên thế giới, đã bày tỏ một thái độ lạc quan dè dặt. Mời quí vị theo dõi thêm một số chi tiết về việc này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu với Duy Ái sau đây.
Thưa quí vị, Cao ủy trưởng Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc, bà Navi Pillay, đã lên tiếng hoan nghênh việc các vị bộ trưởng ngoại giao ASEAN chấp thuận những điều khoản tham chiếu cho Ủy ban Liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền. Người đứng đầu cơ quan nhân quyền Liên hiệp quốc nói rằng sự chấp thuận tại hội nghị ASEAN hôm thứ ba vừa qua là “một bước quan trọng” tiến tới việc thành lập một cơ chế mới nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của dân chúng các nước vùng Đông Nam Á. Tuy nhiên, bà Pillay cũng bày tỏ thất vọng về việc Ủy hội nhân quyền ASEAN không có được điều mà bà gọi là “quyền hạn rõ ràng trong việc bảo vệ nhân quyền.”
Hai nhân sĩ tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam mà Ban Việt Ngữ đài VOA vừa tiếp xúc - Giáo sư Võ Văn Ái ở Pháp và Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng ở Mỹ, cũng có một phản ứng lạc quan dè dặt đối với diễn tiến vừa kể.
Từ Paris, người đứng đầu Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam nhận xét như sau.
Ông Võ Văn Ái nói: "Điều tôi thấy tích cực nhất là họ xem Liên hiệp Âu châu như một mô hình để học hỏi cho Ủy hội về nhân quyền của ASEAN. Và theo thông cáo cho biết thì chức năng của Ủy hội nhân quyền là nâng cao nhận thức của người dân về nhân quyền. Đây có thể nói là một điểm tích cực. Bây giờ chỉ còn chờ đợi hội nghị thượng đỉnh vào tháng 10 để biết tuyên bố về chính trị và những hoạt động của ủy hội này."
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển – một tổ chức đã hoạt động trong 30 năm qua cho quyền lợi của thuyền nhân Việt Nam, cho biết rằng những người tranh đấu nhân quyền vùng Đông Nam Á tuy cảm thấy thất vọng vì ủy ban nhân quyền ASEAN không có quyền hạn nhiều như họ mong đợi, nhưng sự ra đời của ủy ban này là một diễn tiến đáng khích lệ.
Ông Nguyễn Ðình Thắng cho biết: "Một điểm mà tôi nghĩ rằng đáng lạc quan là trong hiến chương ASEAN có nhấn mạnh tới việc thành lập cơ chế về nhân quyền. Đây là lần đầu tiên. Đồng thời, chúng ta cần phải biết rằng chủ trương của ASEAN là không can thiệp nội bộ. Thì đây vẫn là vấn đề lấn cấn. Nhưng chúng tôi thấy có vài ngõ ngách, vài cơ hội. Chẳng hạn như vấn đề lao động và buôn người. Khi đưa người lao động từ một quốc gia đến một quốc gia khác thì nhân quyền không còn là một vấn đề thuần túy nằm trong nội bộ của một quốc gia nữa. Hoặc là vấn đề buôn người cũng là di chuyển người từ quốc gia này sang quốc gia khác. Thành ra nó có sự liên đới. Và đó là cửa ngỏ để nêu vấn đề nhân quyền xuyên quốc gia, vượt qua được khuynh hướng nói rằng hoàn toàn tránh can thiệp nội bộ."
Ông Nguyễn Đình Thắng cho biết rằng trong thời gian vừa qua chính phủ Indonesia và chính phủ Philippines đã đứng đàng sau những nỗ lực để làm cho Ủy ban nhân quyền ASEAN là một cơ chế có thực quyền. Tuy nhiên, sau những cuộc thảo luận giữa các quốc gia, phía muốn thúc đẩy nhân quyền hãy còn yếu thế hơn các quốc gia còn lại, trong đó có Miến điện là nước vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất. Ông nói thêm như sau về phản ứng của các tổ chức nhân quyền vùng Đông Nam Á:
Ông Nguyễn Ðình Thắng nói: "Có hai phản ứng ngay tức thì. Thứ nhất là họ cảm thấy có nhu cầu để tập hợp với nhau chặt chẽ hơn nữa và tạo thế liên kết không những chỉ trong vùng Đông Nam Á mà lan ra toàn vùng Á châu và cả thế giới để mà thúc đẩy vấn đề nhân quyền ở Đông Nam Á. Dù chỉ là một diễn đàn nhưng nếu có được một tiếng nói mạnh mẽ hơn từ mọi phía từ mọi nơi thì nó cũng là một điều tốt. Nỗ lực thứ hai của lực lượng tranh đấu cho nhân quyền nói chung là họ đang chuẩn bị để tiếp tục cuộc vận động. Bởi vì cái thế cân bằng giữa hai khối – một đằng là một số quốc gia muốn thúc đẩy vấn đề nhân quyền mạnh hơn và đằng khác là những nước còn muốn trì néo và chưa muốn thúc đẩy vừa qua nhân quyền, cán cây có thể thay đổi bất kỳ lúc nào. Một cuộc tuyển cử ở một quốc gia nào đó có thể thay đổi được thế quân bình đó. Thành ra các tổ chức quan tâm vấn đề nhân quyền hiện nay họ vẫn tiếp tục cuộc vận động đối với những chính quyền đã yểm trợ cũng như vận động những chính quyền hiện nay chưa yên ổn và yên tâm lắm với khái niệm về nhân quyền."
Trong khi tỏ ý hoan nghênh việc thiết lập Ủy ban Nhân quyền ASEAN, giáo sư Võ Văn Aùi cũng nhận định rằng tình hình nhân quyền của ASEAN đã “giật lùi hai, ba bước”.
Ông Ái giải thích thêm: "Thứ nhất là nói chung thì các nước Á châu cho tới nay họ đã cho thấy rằng họ rất “lý tài”. Họ chỉ để ý tới vấn đề phát triển kinh tế mà thôi, mà chưa có truyền thống bảo vệ nhân quyền, bảo vệ người dân như các nước Tây phương. Điều thứ hai là ngay từ bây giờ chúng tôi đã thấy một cây gậy cản đường bánh xe nhân quyền của các quốc gia ASEAN. Đó là trong điều khoản tham chiếu họ đã nhấn mạnh là không cho nhận đơn khiếu nại, không cho thực hiện các bản báo cáo và cũng không cho những phái đoàn quốc tế đến điều tra về vấn đề vi phạm nhân quyền. Đây là điều mà tôi cho là đáng lo ngại và nguy hiểm nhất. Và đây là điều mà tất cả các tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là những tổ chức Á châu, trong mấy năm qua, kể từ khi nghe rằng ASEAN chuẩn bị có một cơ cấu nhân quyền, họ đã đòi hỏi phải có những thể thức đó thì may ra mới có thể thúc đẩy cho nhân quyền được."
Ông Võ Văn Ái cho biết rằng trong những cuộc họp mà ông tham dự ông nhận thấy những nước vi phạm nhân quyền trầm trọng nhất tại Đông Nam Á như Miến điện, Việt Nam và Cambode đã đánh bật ra khỏi những điều khoản tham chiếu những điều có thể thăng tiến nhân quyền. Ông e rằng Ủy ban nhân quyền ASEAN sẽ trở thành một cơ quan “có tiếng mà không có miếng”.
Giáo sư Võ Văn Ái cũng tỏ ý lo ngại về việc chính phủ Việt Nam sẽ giữ chức Chủ tịch đầu tiên của Ủy hội Liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền.
Ông Võ Văn Ái nói: "Đây có thể nói là điều quan ngại nhất cho các tổ chức phi chính phủ vì ai cũng biết rằng Việt Nam hiện nay là nước vi phạm nhân quyền rất trầm trọng. Một nước như vậy mà làm chủ tịch vào thời điểm mà Ủy hội nhân quyền ASEAN ra đời. Chúng tôi thấy đây là một điều đáng buồn hơn là đáng vui."
Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng cũng tán đồng nhận định vừa kể. Tuy nhiên, ông cho rằng qua việc nắm giữ chức vụ chủ tịch của Ủy ban nhân quyền này mà Việt Nam có thể phải chịu áp lực nhiều hơn của cộng đồng quốc tế để cải thiện tình hình nhân quyền nagy tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Ðình Thắng nhận định: "Đây là một mối quan tâm lớn của tất cả những tổ chức quan tâm tới vấn đề nhân quyền trong vùng Đông Nam Á mà chúng tôi đã tiếp xúc. Họ thấy rằng đây là một điều hơi trớ trêu bởi vì Việt Nam không được một thành tích về nhân quyền đáng kính nể lắm, do đó khi Việt Nam làm chủ tịch của Ủy hội nhân quyền ASEAN thì chắc chắn sẽ tạo một dấu ấn lâu dài và gây ra nhiều cản trở. Tuy nhiên, ngược lại, khi Việt Nam đóng vai trò chủ tịch thì họ cũng được chiếu rọi bởi sự quan tâm của quốc tế và được kỳ vọng cao hơn bình thường. Thành ra chúng tôi tin rằng trong thời gian tới đây sẽ có nhiều áp lực hơn nữa đối với Việt Nam là phải thực thì ít ra cái khái niệm nhân quyền căn bản tại ngay quốc gia Việt Nam."
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1