Sau một loạt các cuộc diễu hành ôn hòa trên đường phố khắp Đông Đức, sự sụp đổ của Bức tường Berlin ngày 9/11/1989 sau gần ba thập kỷ tồn tại đã mở đường cho một nước Đức thống nhất.
Tin cho hay, thời kỳ đó, có hàng nghìn công nhân hợp tác lao động Việt Nam tham gia các chương trình đào tạo và làm việc trong các công xưởng ở Đông Đức.
Doanh nhân Trần Hùng là một trong số những người lao động đó. Ông kể lại rằng, trước khi Bức tường bị phá bỏ, người dân sở tại đã rầm rộ xuống đường biểu tình ‘đòi tự do đi lại, tự do báo chí và dân chủ’.
Từ Đức, ông Trần Hùng cho VOA Việt Ngữ biết rằng tâm trạng của ông lúc đó ‘rất hoang mang’: ‘Tôi chưa hiểu nên mừng hay thất vọng vì có hai ba chiều hướng có thể xảy ra lúc đó. Chúng tôi cảm thấy rằng nếu bức tường sụp đổ, chế độ xã hội chủ nghĩa và chính phủ Đông Đức cũ không còn nữa. Còn khi hợp nhất nước Đức thì chế độ tư bản sẽ đưa tới sự khác biệt. Hợp đồng lao động của chúng tôi có thể chấm dứt và chúng tôi có thể phải về nước. Nhưng chúng tôi cũng nghĩ trong cái rủi có thể có cái may rằng mình sẽ được tự do đi lại và có quyền tự quyết hơn’.
Không chỉ là đường ranh giới cắt đứt Đông và Tây Đức, Bức tường Berlin còn được coi là Bức màn Thép – một biểu tượng chia cắt quan hệ giữa phương Tây và khối Đông Âu. Một năm sau khi nước Đức thống nhất năm 1990, Liên bang Xô Viết tan rã.
Sự suy tàn của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu khi Bức tường Berlin sụp đổ đã khiến không ít người Việt từ Đông Âu bỏ chạy sang Đức.
Ông Lê Hùng, một nhà báo hiện làm việc ở Berlin, cho biết rằng gia đình ông đã từ Moscow sang Đức qua ngả Tiệp Khắc (tức Cộng hòa Czech bây giờ) vào năm 1991, và chuyến đi đó ‘hoàn toàn để cho số phận đưa đẩy’.
Nhưng theo lời ký giả này, một hai năm trước khi ông và người thân rời Moscow, thủ đô Liên Xô lúc đó ‘rất căng thẳng’ và những biến động thời đó ‘ảnh hưởng tới toàn bộ các quốc gia Đông Âu’.
Ông kể lại: ‘Những biến động, xáo trộn đó khiến những người trong cuộc như chúng tôi thậm chí cũng không thể đánh giá được là rồi tình hình sẽ đi tới đâu. Thành thử, tất cả những cái tạm gọi là cảm nhận khi đó chỉ có thể tính bằng ngày, bằng tuần và bằng tháng mà thôi. Chúng tôi cũng không thể nào suy nghĩ và cân nhắc cho kế hoạch lâu dài được. Những việc làm lúc đó hoàn toàn xuất phát từ tình hình thực tế tại chỗ và hoàn toàn đột biến. Khi đó chúng tôi chỉ nghĩ tới một đất nước nào đó, nơi mà bản thân và gia đình mình được bảo đảm an ninh. Đối với chúng tôi ở thời điểm đó, Đức, Pháp hay Italia cũng như nhau cả’.
Theo Đài Truyền hình Deutsche Welle, thời kỳ trước và sau khi Chiến tranh Việt Nam chấm dứt, nhiều người Việt Nam, chủ yếu là từ miền nam, đã tới Đức xin tị nạn, và phần lớn định cư ở Tây Đức. Trong khi đó, nhiều người từ miền Bắc lại tới Đông Đức làm việc theo diện ‘công nhân xuất khẩu lao động’.
Theo nhận định của ông Lê Hùng, cộng đồng Việt Nam ở Đức được coi là có tính đa dạng nhất trong số cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài bởi ‘nơi xuất phát của họ rất khác nhau nên tạo thành các nhóm khác nhau như: nhóm cựu sinh viên Việt Nam cộng hòa; nhóm thuyền nhân Việt Nam đi năm 79; nhóm cựu sinh viên của miền Bắc Việt Nam; nhóm cựu hợp tác lao động từ miền bắc Việt Nam sang Đông Đức; nhóm ‘rừng nhân’ vượt biên từ các nước Đông Âu sang’.
Chính bởi vậy, nhà báo này cho rằng vẫn còn một ‘bức tường vô hình’ ngăn cách cộng đồng người Việt ở phía Đông và phía Tây Đức, dù 20 năm đã trôi qua sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin.
Ông Lê Hùng cho hay: ‘Lấy Berlin là một ví dụ điển hình, giữa nhóm người Việt Nam ở bên Tây Berlin, tức là gốc miền Nam, và nhóm người ra đi từ miền Bắc ở phía Đông, vẫn có một sự ngăn cách vô hình nào đó. Họ không có nhiều hoạt động chung với nhau. Họ có phần nào đó e ngại khi có những cuộc hội họp chung với nhau. Nói chung giữa họ vẫn còn một hố ngăn cách rõ nét. Người ta ít nói tới biến cố năm 1975, ít nói tới sự chia cắt nam bắc Việt Nam trước đây và thống nhất lại, mà người ta hay có sự liên tưởng giữa sự chia cắt của Đông và Tây Đức với người Việt Nam. Thế nên điều đó hình thành người Việt Đông Berlin, người Việt Tây Berlin, người Việt Đông Đức, người Việt Tây Đức, cũng tựa như người Đức gọi tên cho nhau là người Tây Đức và Đông Đức. Sự ngăn cách đó tương đối rõ’.
Theo Đài Truyền hình Deutsche Welle của Đức, sau năm 1975, Đức đã cho phép hơn 30 nghìn người Việt Nam tị nạn tại nước này, và phần đông trong số đó là các ‘thuyền nhân’.
Hiện có khoảng 85 nghìn người Việt Nam sinh sống hợp pháp tại Đức, và đây được coi là một trong những cộng đồng thiểu số châu Á lớn ở quốc gia này.
Linh mục Huỳnh Văn Lộ, người phụ trách các tín đồ Công giáo Việt Nam vùng Trung và Tây Nam nước Đức, cũng cho rằng có ‘sự khác biệt quan điểm giữa người Việt ở Đông Đức và Tây Đức’.
Linh mục Lộ nhận định: ‘Có sự khác biệt bởi vì những người từ Đông Đức chạy sang là thành phần công dân của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nên suy tư cũng khác so với những người gọi là thuyền nhân sống ở Tây Đức, nhất là về chính kiến. Nhưng qua thời gian, qua sự thông cảm, cả hai thành phần cuối cùng cũng cảm thấy bình thường, chứ không còn sự phân biệt nữa’.
Doanh nhân Trần Hùng cũng cho rằng sự phân biệt giữa người Việt ở Đông và Tây Đức ‘chỉ kéo dài một vài năm sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin’, còn giờ không còn sự khác biệt nữa vì theo lời ông ‘mọi người còn phải tập trung làm kinh tế và chăm lo cho cuộc sống bản thân’.
Ngày 9/11 tới, Đức sẽ đánh dấu 20 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ, dẫn tới thống nhất đất nước. 20 năm trước, hàng nghìn người Việt, chủ yếu từ miền Bắc, đã lên đường sang Đông Đức theo diện ‘công nhân xuất khẩu lao động’. Cùng thời gian đó, hàng nghìn người Việt khác, phần lớn từ miền Nam, tới Tây Đức xin tị nạn chính trị sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc. Nhiều năm đã trôi qua, những người Việt từng trải qua thời kỳ biến động chính trị đó hiện sống ra sao và liệu còn có khoảng cách trong chính cộng đồng người Việt ở Đức, trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này, phóng viên Nguyễn Trung của VOA Việt Ngữ đã trao đổi với một số Việt kiều từ Berlin và tường trình như sau.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1