<!-- IMAGE -->
Mặc dù đang có một công việc dạy học ổn định và một cuộc sống đầy đủ trong một gia đình trung lưu ở đất nước có nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, nhưng cô giáo trẻ người Nhật Bản Michiko Nimura, năm nay 33 tuổi, luôn mong muốn được đi dạy học tại những đất nước khác nơi các em học sinh có hoàn cảnh kém may mắn hay không có được những điều kiện giáo dục tốt như ở Nhật Bản.
Với mong muốn ấy, cô quyết định xin làm tình nguyện viên theo chương trình của Tổ chức Hợp tác Quốc tế của Nhật Bản, JICA, và đã được chấp thuận sang dạy học tại trường tiểu học Tân Mỹ ở tỉnh miền núi Bắc Giang.
Sau khi được chấp nhận vào chương trình tình nguyện viên, cô Michiko rất hào hứng và đã tự mình tìm hiểu về Việt Nam, về văn hóa, về con người và cuộc sống ở Việt Nam. Cô cũng được học tiếng Việt trong vòng 3 tháng.
Tuy vậy, ban đầu khi mới đến Việt Nam cô vẫn gặp nhiều bỡ ngỡ và khó khăn, đặc biệt là về mặt ngôn ngữ. Cô Michiko tâm sự:
“Khi mới đến Việt Nam khó khăn lớn nhất của tôi là tiếng Việt, người Việt Nam nói tiếng Việt nhanh lắm nên nhiều khi tôi không hiểu. Còn một điều nữa là trên đường phố ở Việt Nam có rất nhiều xe máy, mới đầu ra đường tôi sợ lắm, không biết làm thế nào để qua đường”.
Mặc dù gặp khó khăn về mặt ngôn ngữ, đặc biệt là với nghề giáo viên phải sử dụng tiếng Việt để truyền đạt cho học sinh hiểu, nhưng cô Michiko không nản chí và đã vượt được qua thử thách này để đem lại cho các em học sinh những giờ học vui vẻ.
“Sau khi tới Việt Nam, tôi ở Hà Nội khoảng một tháng và tôi làm quen với rất nhiều người bạn mới, mọi người rất thân thiện và tôi có cơ hội để thực hành tiếng Việt. Sau đó tôi tới Bắc Giang, khi đi dạy, ban đầu tôi cũng gặp khó khăn về mặt ngôn ngữ, nhưng rất may là tôi dạy môn thể dục và mỹ thuật nên tôi có thể dùng cử chỉ khi không thể truyền đạt được bằng tiếng Việt. Các em học sinh cũng rất ngoan, các em cố gắng hiểu ý tôi muốn nói gì, các em giúp tôi rất nhiều và đôi khi các giáo viên khác cũng giúp đỡ tôi nên tôi không còn cảm thấy khó khăn nữa.”
<!-- IMAGE -->
Ngoài môn thể dục và mỹ thuật, cô Michiko cũng dành thời gian để dạy các em học sinh tiếng Nhật và văn hóa Nhật Bản:
“Đôi khi tôi dạy các em tiếng Nhật nữa, đặc biệt là khi nào trời mưa, không thể dạy môn thể dục ngoài trời, thì tôi dậy các em tiếng Nhật, các em học sinh Việt Nam rất thích học tiếng Nhật và rất quan tâm đến văn hóa Nhật Bản, vì vậy tôi thấy rất vui.”
Cô cũng tỏ vẻ ngạc nhiên vì sự khác nhau giữa hệ thống giáo dục của Việt Nam và hệ thống giáo dục của Nhật Bản. Cô cho biết cô thấy học sinh Việt Nam phải thi cử rất nhiều vừa phải thi đầu vào, vừa phải thi cuối lớp và cuối cấp, và nếu không đạt điểm tốt thì các em không thể theo học trung học cơ sở hay trung học phổ thông.
Michiko cho biết sau khi hết 2 năm dạy học ở Việt Nam vào tháng Hai năm tới, cô sẽ trở lại trường Kutsukake, nơi cô đã dạy học trước khi đến Việt Nam. Tuy nhiên cô sẽ vẫn tiếp tục tìm hiểu về Việt Nam và học thêm tiếng Việt để nếu có dịp quay trở lại Việt Nam thì cô sẽ lại nộp đơn xin tình nguyện. Cô cũng cho biết nếu có điều kiện cô cũng muốn quay lại Bắc Giang vì sau gần hai năm gắn bó, cô cảm thấy rất thích nơi đây vì mọi người dân cũng như các em học sinh ở đây đều rất thân thiện.
Michiko cũng muốn thể hiện khả năng tiếng Việt của mình để nói về các em học sinh mà cô yêu quí:
“Học sinh Việt Nam rất tốt, rất chăm chỉ. Học sinh luôn nói cô Michiko ơi, khi học sinh nói cô Michiko ơi, tôi rất vui, tôi rất thích học sinh Việt Nam”
Cô cũng không quên nhắc tới những món ăn và trái cây mà cô rất thích thưởng thức khi ở Việt Nam:
“Ở Việt Nam thức ăn rất ngon, ví dụ quả chuối, quả xoài, quả bưởi, rau muống xào tỏi v.v. tôi rất thích món ăn Việt Nam”.
Xin cảm ơn những tấm lòng như cô Michiko và xin chúc cô gặp nhiều thành công trong sự nghiệp dạy học của mình trong tương lai.