Phái đoàn các nước tham dự hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại Copenhagen đã tiến hành một cuộc hội đàm không chính thức ngày hôm nay, trong ngày nghỉ giữa các cuộc đàm phán nhằm xây dựng một hiệp định mới về biến đổi khí hậu toàn cầu.
Vào lúc cuộc hội nghị kéo dài 12 ngày bước sang tuần thứ hai, các phân tích gia cho hay có rất ít tiến bộ đạt được trong việc thay thế hiệp định hiện hành là Nghị định thư Kyoto, vốn sẽ hết hạn vào năm 2012.
Họ cho biết cuộc hội nghị đã đạt được trọng tâm nhiều hơn vào ngày thứ Sáu, với việc công bố một bản dự thảo trong đó có kế hoạch đầy tham vọng về việc cắt giảm khí thải trong vòng 4 thập niên tới.
Theo bản thảo này, các nước công nghiệp sẽ giảm lượng khí thải các bon xuống từ 25% đến 45% so với mức khí thải của năm 1990 trong thập niên tới. Các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ giảm lượng khí thải của họ từ 15% đến 30%. Họ cũng sẽ được đề nghị cắt giảm thêm khí thải cho tới năm 2050.
Tuy nhiên bản dự thảo này không nêu cụ thể số ngân khoản mà các nước giàu sẽ đóng góp cho các nước nghèo để đối phó với các tác động của tình trạng tăng nhiệt toàn cầu.
Đề xuất cấp viện là một nội dung tranh luận chính giữa các phái đoàn đến từ các nước công nghiệp và các phái đoàn đến từ các nước đang phát triển. Một số phân tích gia dự đoán những sự khác biệt này đủ lớn để phá vỡ bất kỳ cơ hội nào tiến tới một hiệp định có ý nghĩa trong tuần này.
Hơn 100 nguyên thủ quốc gia dự kiến sẽ tham dự những ngày cuối cùng của hội nghị sẽ bế mạc vào thứ Sáu tới. Các giới chức Liên Hiệp Quốc và các nhà lãnh đạo thế giới cho hay họ tin rằng một bản dự thảo khả thi sẽ hoàn tất vào thời điểm đó.
Trong khi đó, cảnh sát ở Copenhagen đã thả hàng trăm nhà hoạt động bị bắt giữ hôm thứ Bảy trong một cuộc biểu tình đòi các nước tham dự phải đạt được tiến bộ trong cuộc hội nghị này. Cảnh sát đã bắt giữ khoảng 200 người vào ngày Chủ nhật.
<!-- IMAGE -->
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1