Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon đang tham dự những cuộc thảo luận về khí hậu tại Copenhagen. Trước khi lên đường đi đến thủ đô của Đan Mạch, ông nói cả những nứơc giàu lẫn nước nghèo đều phải ngưng chuyện chỉ trích nước khác mà cần phải thúc đẩy để đi đến một hiệp ước mạnh hầu chống lại tình trạng thay đổi khí hậu. Từ London, thông tín viên Selah Hennessy gửi về thêm các chi tiết sau đây.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon tỏ ra lạc quan về việc có thể đạt được một hiệp ước mạnh tại hội nghị về khí hậu ở Copenhagen.
Ông nói: "Copenhagen phải là bước ngoặt trong nỗ lực của thế giới để ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu vượt ra ngoài tầm kiểm soát và đưa chúng ta vào một kỷ nguyên mới của phát triển xanh cho tất cả mọi người."
Thứ Ba là ngày thứ tám của hội nghị về khí hậu biến đổi và trong lúc các nhà lãnh đạo thế giới đang tề tựu về Copenhagen, các nhà phân tích cho rằng đã đến lúc để đưa ra tiến bộ nghiêm túc cho các vấn đề quan trọng.
Ông Bob Ward, thuộc Viện Grantham nghiên cứu về khí hậu biến đổi thuộc trường Kinh tế London, phát biểu:
"Người ta có cảm tưởng rằng khi các nhà lãnh đạo thế giới đến đây trong vài ngày tới, họ sẽ có thể vượt qua được một số những trở ngại bởi vì tôi tin rằng giới lãnh đạo các nước sẽ có thể nắm được trọng tâm của vấn đề và tham gia các cuộc thảo luận có thực chất và vượt qua được những khác biệt còn sót lại."
Mục đích chính của hội nghị này là cắt giảm lượng khí thải nhà kính và thiết đặt một cơ chế cung cấp cho các quốc gia đang phát triển hàng tỉ đôla cần thiết để đối phó với tình trạng biển đổi khí hậu.
Tuy nhiên các cuộc thảo luận đã bị đình đốn trong gần hết ngày thứ Hai sau khi các đại biểu của các nước Châu Phi bỏ phòng họp ra ngoài, vì họ nói rằng các nước nghèo bị ảnh hưởng tai hại nhiều nhất của khí hậu biến đổi lại bị làm ngơ. Trước khi trở lại bàn hội nghị, họ nói rằng các quốc gia đã phát triển đang tìm cách gạt Nghị Định Thư Kyoto ra ngoài lề; đây là một thoả thuận có tính cách cưỡng hành đặt mục tiêu cắt giảm khí thải cho đến năm 2012.
Khối Trung Quốc G-77, thương thuyết vì quyền lợi của 130 quốc gia, kể cả một số nước nghèo, muốn thỏa thuận Kyoto tiếp tục quá thời hạn 2012 với những mục tiêu mới về khí thải.
Nhưng theo chuyên gia Ward thì chú trọng tới cơ chế để đạt tới một thỏa thuận về khí hậu biến đổi không hữu ích ngay bây giờ. Ông cho rằng thay vào đó, các nhà lãnh đạo thế giới cần chú trọng tới những mục tiêu chính.
Ông nói: "Đó là vấn đề có thể giải quyết sau hội nghị Copenhagen, một khi chúng ta có được thỏa thuận quan trọng về mức cắt giảm cụ thể về khí thải và số tiền tài trợ cho những nước đang phát triển để giúp cho nỗ lực hạ giảm khí thải của họ."
Liên Hiệp Châu Âu đã cam kết giúp cho các nước nghèo 10 tỉ đôla để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, một con số mà các nước đang phát triển cho là "không đáng kể."
Ngân hàng Thế giới đã tiên đoán rằng việc thích ứng với hệ quả của tình trạng biến đổi khí hậu sẽ tốn đến 100 tỉ đôla mỗi năm tính từ nay cho đến năm 2050.