Tình trạng biến đổi khí hậu ảnh hưởng tai hại đến vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Báo Bernama hôm thứ hai loan tin nhiều nhà khoa học cảnh báo rằng khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải đối diện với những hậu quả khắt nghiệt nếu Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên hiệp quốc tại thủ đô Copenhagen, Đan Mạch, không đề ra biện pháp mạnh hầu ứng phó với tình trạng tăng nhiệt toàn cầu.
Theo báo chí Việt Nam, vựa lúa lớn nhất nhì của cả nước có nguy cơ sẽ bị đảo lộn trong vòng vài chục năm tới nếu không có biện pháp ngăn ngừa những hậu quả khi trái đất ấm dần lên.
Vùng đồng bằng châu thổ này là một trong những điểm thu hút sự chú ý khi các chuyên gia trên thế giới họp bàn tại hội nghị Copenhagen.
Trong những năm gần đây, các phái đoàn khoa học gia từ các nước lần lượt đến tìm hiểu tình hình tại các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Số liệu từ các cơ quan hữu trách địa phương cho thấy từ năm 1997, nhiều khu vực duyên hải tỉnh Kiên Giang bị xói mòi, diện tích rừng đước bị thu hẹp hơn ¼. Ở Bến Tre, nước biển lấn sâu vào đất liền gây tình trạng khan hiếm nước ngọt. Tại Đồng Tháp, lưu lượng các con sông bị thay đổi, làm mất hơn 30 hecta đất mỗi năm.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, nếu mực nước biển dâng lên 1 mét, khoảng 70% vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị nhiễm nước mặn, dẫn tới hậu quả bị mất đi 2 triệu hécta đất đai canh tác, nhiều vùng khác sẽ bị ngập.
Nguồn: Bernama, Vfej, IPSNews
<!-- IMAGE -->
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1