Tại các nước Đông Nam Á, cư dân ở đây biết rất rõ về hậu quả của thời tiết khắc nghiệt, và họ lo ngại là khí hậu nóng hơn sẽ làm gia tăng những nguy cơ đó. Các chuyên gia về khí hậu hy vọng mọi người sẽ thấu hiểu rằng việc thích ứng với những thay đổi và bảo tồn địa cầu được bắt đầu ngay từ chính họ. Mời quý vị theo dõi câu chuyện sau đây của thông tín viên Daniel Schearf.
Khi trận bão Ketsana ập vào thủ đô Manila của Philippines trong năm nay, những nhà thiết kế đô thị đông dân này sững sờ trước lượng nước mưa quá lớn trút xuống chỉ trong một thời gian ngắn.
Theo chuyên gia Anond Snidvongs, một người từng nghiên cứu về khí hậu biến đổi từ hơn một thập niên nay, đã phân tích các dữ liệu về bão trong 60 năm qua. Ông cho biết chu kỳ của bão là 30 năm. Tuy nhiên ông cảnh báo là nhiệt độ trái đất nóng hơn có thể gây ra bão tố thường xuyên hơn và dữ dội hơn.
Ông nói: "Chúng ta hiện đang trong chu kỳ gia tăng của các trận bão. Nhưng tại khu vực châu thổ sông Mekong, ví dụ như Việt Nam, người ta cũng thấy chu kỳ này nhưng thời hạn và cường độ của bão tố cứ tăng lên."
Theo ông thì điều này có nghĩa là Philippines, miền nam Việt Nam và Campuchia sẽ bị bão tố hoành hành nhiều hơn là trong những thập niên qua.
Tại Cần Thơ, thuyền bè chở hàng hóa tụ họp trên sông Mekong để buôn bán.
Ông Cường là một lái buôn từ tỉnh duyên hải Bến Tre kế cận. Ông cho biết công việc làm ăn của ông rất dễ bị tổn hại khi thời tiết thay đổi.
Ông nói: "Trong quá khứ mọi chuyện đều thuận buồm xuôi gió. Nhưng trong 10 năm qua, đã có quá nhiều bão tố hoành hành ở khu vực này."
Ông cho biết một trận bão đã phá hủy căn nhà của ông năm 2007. Đã vậy điều tệ hại hơn nữa đã xảy ra. Bão tố xảy ra liên miên làm cho nước nhiễm mặn.
Ông thuật lại như sau: "Trước đây chúng tôi đã thiếu nước rồi. Giờ đây nạn khan hiếm nước còn tệ hại hơn."
Tại Đông Nam Á, nơi hàng triệu người có nguy cơ hứng chịu hậu quả của khí hậu biến đổi, như nạn hạn hán hoặc mưa lũ khác thường, khiến người dân ngày càng lo ngại cho tương lai.
Ông Hassan Moinuddin thuộc Chương Trình Tiểu vùng sông Mekong của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu cho biết khí hậu nóng hơn có thể làm giảm sút đến 7% tổng sản phẩm nội địa của khu vực từ nay cho đến cuối thế kỷ này, do mùa màng thu hoạch kém hay các cộng đồng bị buộc phải dời cư.
Chuyên gia Hassan Moinuddin cho biết khí hậu biến đổi không chỉ ảnh hưởng đến mức tăng trưởng và phát triển kinh tế, nhưng nó sẽ có hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt sẽ phải cần đến nhiều ngân khoản khẩn cấp cứu trợ thiên tai.
Và trong lúc các chính phủ đang tranh luận là ai sẽ phải đưa vai gánh vác trách nhiệm lớn hơn trong việc giúp làm chậm tiến trình biến đổi khí hậu và chi trả cho những thiệt hại, theo chuyên gia Anond, sự thay đổi sâu xa sẽ phải đến từ những cá nhân. Ông nói: "Chúng ta cần phải sống hòa hợp với khí hậu."
Lấy thí dụ, nhà cửa trong khu vực cần phải xây cao trên mặt đất vài mét để tránh lụt.
Ông hy vọng là người dân sẽ thích ứng lối sống của họ theo bản chất của môi trường sống, và giúp cho họ giảm bớt được hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu.
<!-- IMAGE -->
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1