Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói rằng Hoa Kỳ sẵn sàng cùng với các nước khác hỗ trợ khoảng 100 tỷ mỗi năm vào năm 2020 để đáp ứng nhu cầu tài chính của các nước đang phát triển nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu.
Thành viên Ủy ban Nông nghiệp và Kinh tế Nông thôn của Liên đoàn châu Phi, bà Rhoda Tumusiime, nói rằng tuyên bố của bà Clinton là một bước tiến tích cực. Bà Tumusiime nói với đài VOA từ Copenhagen, nơi bà nói cảm thấy các cuộc đàm phán đang đạt được tiến triển.
Bà cho hay: 'Tôi không hoàn toàn hy vọng 100%, nhưng ít ra tôi cũng hy vọng rằng sẽ tìm được giải pháp nào đó rất tích cực'.
Các đại biểu đã tập hợp về Copenhagen mười ngày qua, nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại đây tiến triển rất chậm.
Các mục tiêu chính trong thỏa thuận ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu là cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và hỗ trợ tài chính cho các quốc gia đang phát triển.
Các nhà đàm phán châu Phi đã bỏ ra khỏi phòng họp trong một thời gian ngắn hôm thứ Hai vì họ cho là có nỗ lực gạt ra ngoài lề các nước nghèo và hội nghị không mạnh mẽ ủng hộ một thỏa thuận có tính cách cưỡng hành.
Nhưng hôm thứ Tư, trong một nỗ lực xúc tiến các cuộc thảo luận tiến tới một thỏa hiệp, một số quốc gia châu Phi đã giảm bớt số tiền mà họ cho là cần được viện trợ nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Vào ngày thứ Sáu, ngày đàm phán cuối cùng, theo dự kiến, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ tới Copenhagen, và bà Tumisiime cho rằng sự hiện diện của Tổng thống sẽ thúc đẩy các cuộc đối thoại.
Bà nói: 'Các nhân vật có quyền lực và đưa quyết định lớn sẽ tới đây vào tối nay hoặc ngày mai. Cho nên các quyết định chủ yếu sẽ được đưa ra vào ngày mai'.
Chuyên gia Hoa Kỳ về khí hậu biến đổi Ilana Solomon thuộc tổ chức cứu trợ quốc tế Action Aid, nói rằng hội nghị Copenhagen có đạt được một thỏa thuận về khí hậu có sức nặng hay không phụ thuộc vào ông Obama.
Bà Solomon nói: 'Nếu ông Obama tới Copenhagen với nhiều kế hoạch tham vọng hơn những gì chúng tôi đã đặt trên bàn đàm phán liên quan tới việc giảm bớt tác hại của tình trạng biến đổi khí hậu cũng như đưa ra được một con số tài chính rõ ràng (nhằm hỗ trợ các nước nghèo), tôi nghĩ điều này tạo được ảnh hưởng rất lớn'.
Mục tiêu cắt giảm khí thải cũng như cam kết trợ giúp tài chính của Hoa Kỳ cần phải được Quốc hội ủng hộ. Đây là một trở ngại các nhà phân tích chính trị cho rằng khó có thể vượt qua.
Nhưng bà Soloman nói rằng ông Obama phải đưa ra các cam kết tài chính cụ thể: 'Ý tôi là chúng ta đã chứng kiến nhiều đời tổng thống trước đây đã cam kết hỗ trợ tài chính cho các vấn đề như an ninh hay HIV/AIDS mà không có hành động của Quốc hội. Vì thế tôi nghĩ cách thức lãnh đạo mạo hiểm như thế là điều chúng ta cần thấy ở thời điểm này'.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu nói rằng sẽ cung cấp khoảng 75 triệu đôla nhằm giúp các quốc gia ở vùng Sừng châu Phi, những nước hiện đang phải hứng chịu tình trạng hạn hán do biến đổi khí hậu gây ra.
<!-- IMAGE -->
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1