Đường dẫn truy cập

Cần hợp tác khu vực nhiều hơn để đối phó với khí hậu biến đổi


Các nhà khoa học về khí hậu nói rằng các chính phủ khu vực cần phải bao gồm việc quản lý thiên tai trong các chính sách của họ để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Ron Corben từ Bangkok, các chính phủ đang yêu cầu cộng đồng khoa học cố vấn họ tốt hơn về việc giảm thiểu nguy cơ thiên tai.

Trung tâm Chuẩn bị Thiên tai Á châuHội đồng Liên chính phủ của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu đang quy tụ các nhà khoa học ở châu Á để vừa đánh giá nguy cơ khí hậu nghiêm trọng lẫn tìm ra các phương sách giảm thiểu tai hại mà sự kiện này có thể gây ra.

Các nhà khoa học và giới chức của 10 quốc gia đã họp tại Bangkok vào tuần này, trong khuôn khổ chuẩn bị một bản phúc trình đặc biệt về việc xử lý các thiên tai, như lụt lội, bão nhiệt đới nặng và hạn hán nghiêm trọng.

Ông Anand Patwardham, thuộc Viện Kỹ thuật Ấn Độ, và một trong các tác giả của bản phúc trình, nói rằng điều cấp thiết đối với các nhà lập chính sách là phải liên kết tình trạng biến đổi khí hậu với việc hoạch định quản lý thiên tai.

Ông Anand nói: “Điều đã trở nên rất rõ ràng trong Hội đồng Liên chính về Biến đổi Khí hậu là trừ phi chúng ta có khả năng xây dựng các mối liên kết này, trừ phi chúng ta có khả năng đưa vào dòng chính hay hòa nhập các mối quan ngại về biến đổi khí hậu với việc giảm thiểu nguy cơ thiên tai hiện nay và các tập tục về quản lý thiên tai thì nghị trình thích nghi sẽ không thể tiến triển được.”

Ông Anand cho rằng các chính phủ nay hiểu được nguy cơ của một bầu khí hậu đang nóng dần. Hầu hết các nhà khoa học khí hậu đều nghĩ rằng việc thải các khí có hiệu ứng nhà kính như carbon dioxide, góp phần vào tình trạng biến đổi khí hậu.

Ông Anand nói tiếp: “Nếu ta nhìn vào những gì mà các chính phủ trông đợi từ Hội đồng Liên chính thì họ nói với chúng ta rằng quý vị đã tình bầy lý lẽ để hành động với tư cách các nhà khoa học, nay xin quý vị hãy cho chúng tôi biết nên làm gì và phải làm như thế nào, liệu việc đó có liên quan đến chuyện làm giảm nhẹ hay là chuyện thích nghi.”

Nhưng ông Anand nói đây là một thách thức đã được chứng minh đối với cộng đồng khoa học bởi vì nó phải thu hút những người có khả năng thực thi các chính sách vượt quá giới hạn khoa học, như tài chính, kỹ thuật và cơ cấu cộng đồng.

Một số chính phủ, chẳng hạn như Việt Nam, nay khích lệ các bộ ngành khác nhau hợp tác về những vấn đề khác nhau do mực nước biển dâng cao gây ra. Nhưng các nhà khoa học tại hội nghị tuần này nói rằng các nước Á châu khác tụt lại phía sau rất xa.

Hội đồng Liên chính về Biến đổi Khí hậu đã cảnh báo rằng nhiều thành phố khắp châu Á, trong đó có Dhaka, Bangkok và Manila, có nguy cơ bị mực nước biển dâng cao và bão nghiêm trọng.

Tại Bangkok chẳng hạn, có những cảnh báo rằng tới 1 triệu người có thể bị tác động của lụt lội nghiêm trọng trước năm 2050 trừ phi các biện pháp nhằm giảm thiểu vấn đề được tiến hành.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG