Bắc Triều Tiên cho biết họ có thể quay trở lại bàn đàm phán đa quốc gia nhằm chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân. Nhưng Bình Nhưỡng nói rằng họ muốn các biện pháp trừng phạt của quốc tế chấm dứt cũng như muốn một hiệp ước hòa bình với Hoa Kỳ. Từ Seoul, thông tín viên VOA Kurt Achin gửi về bài tường thuật sau đây.
Hãng tin trung ương Triều Tiên ở Bình Nhưỡng hôm thứ Hai đã đăng tải một thông cáo của Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên, liên kết việc quay trở lại bàn đàm phán hạt nhân với một sự cải thiện về bang giao với Hoa Kỳ.
Thông cáo hôm nay miêu tả điều này là ‘cần thiết để đúc kết một hiệp ước hòa bình nhằm chấm dứt tình trạng chiến tranh, nguyên là một lý do sâu xa gây ra mối quan hệ thù nghịch giữa hai nước’.
Hoa Kỳ đứng lên bảo vệ Nam Triều Tiên sau khi miền Bắc xâm lược nước này hồi năm 1950 và hiện nay vẫn duy trì khoảng 28,000 binh sĩ ở Nam Triều Tiên nhằm ngăn chặn hoặc đánh bại bất kỳ một sự xâm chiếm nào có thể lặp lại. Một hiệp định đình chiến năm 1953 đã chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, nhưng chưa đạt được tình trạng hòa bình lâu dài.
Thông cáo của Bắc Triều Tiên đề nghị chấm dứt các biện pháp trừng phạt kinh tế quốc tế, và nói rằng sự kiện này “có thể sớm dẫn tới việc mở lại các cuộc đàm phán sáu bên” nhằm bãi bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên hồi tháng 10 năm 2006 và hồi tháng Sáu năm ngoái, sau khi mỗi lần Bình Nhưỡng tiến hành 2 cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân.
Ông Cho Young-tae là một nhà nghiên cứu tại Học viện Thống nhất Quốc gia ở Seoul.
Ông Cho nói rằng tuyên bố hôm thứ Hai phản ánh thực tế rằng các cuộc đàm phán về một hòa ước là một vấn đề trọng tâm giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ. Theo nhận định của ông Cho, Bình Nhưỡng đã đặt ra chương trình nghị sự cho những gì sẽ được thảo luận trong vòng đàm phán sáu bên sắp tới.
Trong gần bảy năm qua, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên đã tìm cách thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy các tưởng thưởng về ngoại giao, năng lượng và tài chính.
Một thỏa thuận mà Bắc Triều Tiên ký với năm nước hồi tháng Chín năm 2005 đã đặt nền móng cho một cơ cấu tiến dần tới một thỏa hiệp hòa bình, song song với việc giải trừ vũ khí hạt nhân.
Cũng giống như người tiền nhiệm là ông George W. Bush, Tổng thống Obama giữ vững quan điểm rằng sẽ không có một hiệp ước hòa bình nếu Bắc Triều Tiên tiếp tục sở hữu vũ khí hạt nhân.
<!-- IMAGE -->
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1