Đường dẫn truy cập

Ðiểm qua các biện pháp kinh tế mới đây của Bắc Triều Tiên


<!-- IMAGE -->

Trong những tuần lễ mới đây, Bắc Triều Tiên đã thực hiện các biện pháp quan trọng để tái phân bổ của cải và đánh vào thâu nhập của những người tham gia những hoạt động mà Bắc Triều Tiên coi là buôn bán trái phép. Các chuyên viên về Bắc Triều Tiên nói rằng, những biện pháp vừa kể có mục đích kiềm chế một thị trường có thể đe dọa tới chính quyền mặc dù có lợi cho dân chúng. Thông tín viên VOA Kurt Achin ở Seoul tường trình.

Tổ chức từ thiện Phật Giáo “Bạn Tốt” tại Seoul nói rằng chính phủ Bắc Triều Tiên đã đình chỉ hoặc đóng cửa nhiều chợ bán sỉ trên cả nước.

Hành động này được đưa ra tiếp theo sau một loạt các biện pháp mà một nhật báo có liên hệ với Bắc Triều Tiên tường thuật là “sẽ củng cố thêm nguyên tắc và trật tự của cách quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa.”

Nhưng các chuyên gia trong vùng nói rằng, lãnh đạo nước này đang tìm cách trấn áp các nhà buôn tại các chợ mà họ nghĩ là đã trở thành quá mạnh.

Hôm 30 tháng 11 năm ngoái, chính phủ bất thình lình định lại giá trị chỉ tệ, và đã ra lệnh cho các công dân đổi đồng won cũ để lấy tiền mới với tỷ lệ 100 ăn 1.

Chính phủ chỉ cho mỗi người được phép đổi 100 ngàn won – tương đương với 30 đô la.

Từ đó, chính phủ Bình Nhưỡng đã cấm sử dụng ngoại tệ như đô la Mỹ hoặc đồng nguyên của Trung Quốc.

Việc đổi tiền này đã có hiệu quả trong việc giật sập sự giầu có của những người đã tích lũy đồng won bằng cách buôn bán tại những chợ tự phát.

Nhiều người Bắc Triều Tiên giữ tiền ở nhà bởi vì họ không thể sử dụng hoặc không tin tưởng các ngân hàng trong nước.

Ông Ha Tae-kyoung là chủ tịch Open Radio, phát tin tức vào Bắc Triều Tiên giống như đài VOA.

Ông nói rằng, các nguồn tin bên trong Bắc Triều Tiên tường thuật về tình trạng bất mãn trong việc đổi tiền này.

Ông Ha nói: “Tất cả mọi người rất tức giận về chuyện đổi tiền, vì vậy nhiều người đã ném tiền xuống sông. Và một số người thì đốt tiền đi.”

Mấy mươi năm quản lý kinh tế sai lầm đã gây ra nạn đói tại Bắc Triều Tiên trong thập niên 1990.

Hậu quả là hằng trăm ngàn người được coi như đã chết.

Tình hình cùng cực này đã khiến nổi lên các chợ tự phát trong đó người ta trao đổi thực phẩm căn bản chính yếu.

Hồi năm 2002, chính phủ Bình Nhưỡng cho phép những chợ này được hoạt động một cách hạn chế.

Ông Marcus Noland thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson ở thủ đô Washington nói rằng, giờ đây chính phủ Bình Nhưỡng có thể cảm thấy một số người đã được lợi hơi nhiều từ các chợ này.

Ông nói: “Rõ ràng một phần động cơ của việc này là giáng một đòn nặng vào giới buôn bán đã nổi lên trong khoảng 15 năm qua.”

Ông Noland mô tả hành động của chính phủ Bình Nhưỡng như là đối nghịch thật sự với những cải tổ kinh tế mà Trung Quốc đã tiến hành từ thập niên 1970.

Dưới mắt chính quyền Bắc Triều Tiên, làm giầu không được biểu dương nhưng trở thành mục tiêu bị trừng phạt.

Ông Noland nói rằng, giới buôn bán tại các chợ đã đình chỉ hoạt động vì không hiểu chính sách mới sẽ như thế nào.

Ông Noland nói: “Họ đã rút hàng hóa ra khỏi các chợ bởi vì không biết liệu có bị bắt khi bán hàng hay không. Họ cũng không biết phải bán với giá bao nhiêu và có thể dùng loại tiền nào. Như vậy, hậu quả là, ít nhất trong đoản kỳ, ta sẽ thấy giá cả tăng vọt nơi các mặt hàng chính yếu như gạo và bắp.”

Cũng có tin là loại tiền mới của Bắc Triều Tiên đã sụt giá mạnh so với đồng đô la Mỹ và đồng nguyên của Trung Quốc trên thị trường chợ đen.

Nhưng ông Kim Keun-sik, một học giả Bắc Triều Tiên tại trường đại học Kyungnam của Seoul cho rằng những cải tổ vừa kể cũng thành công đôi chút.

Ông Kim nói: “Những người kiếm được các món lợi kếch sù tại các chợ bị thua lỗ nặng trong vụ cải tổ này. Tuy nhiên, các công nhân lãnh lương có liên hệ chặt chẽ với chính phủ thì thấy vụ cải tổ này là một diễn biến tích cực.”

Sở dĩ như vậy là vì một số công nhân của chính phủ nhận được y số lương giống như trước khi đồng tiền được định giá lại là 100 ăn 1, và như vậy kể như lương của họ được tăng 100 lần.

Ông Kim nói tiếp: “Tôi nghĩ là nhà lãnh tụ Kim Jong-Il và vị thế của ông vẫn còn đủ mạnh để giữ các chợ vừa kể trong vòng kiểm soát. Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên sẽ không tiến hành việc cải tổ này nếu ông nghĩ là sẽ có kháng cự nghiêm trọng.”

Ông Noland thuộc viện Peterson cũng đồng ý như vậy. Ông nói rằng, việc đàn áp mạnh cộng với tình trạng thiếu cơ chế dân sự để nói lên những ta thán sẽ có thể bảo đảm ổn định chính trị trong lúc này.

Tuy nhiên, ông Noland cảnh báo là điều đó có thể thay đổi nếu chính phủ Bình Nhưỡng tìm cách áp dụng việc cấm sở hữu ngoại tệ.

Ông nói: “Chính những người thuộc thành phần được hưởng đặc quyền đặc lợi lại chuyên giao dịch bằng ngoại tệ. Thật vậy, nhiều người trong quân đội và các cơ quan an ninh đều sở hữu ngoại tệ.”

Ông Noland nói rằng, hầu hết những gia đình Bắc Triều Tiên điển hình giờ đây tùy thuộc vào các chợ để có thực phẩm, vì thế bất cứ sự can thiệp nào của chính phủ cũng có hậu quả trực tiếp đối với phúc lợi của công chúng.

Một số cơ quan viện trợ đã cảnh báo rằng trong năm vừa qua, nguồn tiếp tế lương thực của Bắc Triều Tiên đã bị thiếu hụt .

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG