Đường dẫn truy cập

Tranh cãi Mỹ - Trung về việc bán vũ khí cho Đài Loan


Trung Quốc cảnh báo Hoa Kỳ rằng kế hoạch bán phi đạn phòng thủ cho Đài Loan mà Washington loan báo hồi gần đây có thể gây tổn hại cho sự tin tưởng giữa Washington với Bắc Kinh, và họ có thể sẽ thực hiện những hành động khác nữa để chống đối. Trung Quốc đã yêu cầu Hoa Kỳ chấm dứt mọi hoạt động bán vũ khí cho Đài Loan, nhưng kế hoạch bán những hệ thống vũ khí tối tân này có phần chắc sẽ được quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn trong vài tháng tới đây. Mời quí thính giả nghe Duy Ái trình bày thêm chi tiết về vụ tranh cãi này qua bài tường thuật của thông tín viên William Ide của đài VOA.

<!-- IMAGE -->

Những phi đạn phòng không Patriot mà Hoa Kỳ định bán cho Đài Loan là một phần của các loại trang thiết bị quân sự tối tân nằm trong một kế hoạch vốn đã được cựu Tổng thống George W Bush chấp thuận.

Bà Bonnie Glaser, một nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho biết rằng khi kế hoạch này được loan báo lần đầu vào năm 2008, Trung Quốc đã phản đối bằng cách chấm dứt những hoạt động giao lưu giữa quân đội hai nước và tạm ngưng cuộc đối thoại về những vấn đề liên quan tới nỗ lực ngăn chận nạn phổ biến vũ khí hạt nhân.

Bà Glaser nói thêm như sau: 'Tôi nghĩ rằng phản ứng của họ bây giờ có thể cũng gần giống với phản ứng mà chúng ta đã thấy hồi tháng 10 năm 2008. Tuy nhiên tôi không nghĩ rằng việc này sẽ kéo dài quá 6 tháng'.

Kể từ khi kế hoạch bán vũ khí được Ngũ Giác Đài loan báo hồi tuần trước, hầu như ngày nào các giới chức Trung Quốc cũng lên tiếng bày tỏ sự chống đối. Hôm thứ 3, Trung Quốc loan báo là họ đã thử nghiệm thành công một kỹ thuật quân sự để bắn rơi các loại phi đạn.

Truyền thông do nhà nước Trung Quốc kiểm soát loan tin rằng những người sử dụng internet ở Trung Quốc đang hối thúc chính phủ áp dụng các biện pháp chế tài đối với những công ty bán vũ khí cho Đài Loan.

Hiện chưa rõ giới lãnh đạo ở Bắc Kinh sẽ bày tỏ sự chống đối bằng những hành động cụ thể nào.

Các nhà phân tích quân sự Tây phương cho biết có phần chắc là Washington sẽ không nhượng bộ trước sự chống đối của Trung Quốc.

Ông Michael Green, một chuyên gia Á Châu của Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nhận định như sau: 'Chính phủ Mỹ sẽ phạm phải một sai lầm vô cùng to lớn nếu họ tỏ ý cho thấy là họ sẽ nhượng bộ về vấn đề mua bán vũ khí hoặc những vấn đề khác chỉ vì có những tuyên bố cứng rắn từ phía Bắc Kinh. Và thách thức chủ yếu hiện nay là làm thế nào để không nhượng bộ mà vẫn có được một mối quan hệ ổn định'.

Dựa theo Đạo luật Quan hệ với Đài Loan (Taiwan Relations Act), Hoa Kỳ thừa nhận chính phủ ở Bắc Kinh là chính phủ duy nhất của Trung Quốc. Đạo luật này cũng qui định là Washington phải bán vũ khí cho Đài Loan để thỏa mãn nhu cầu phòng vệ của đảo quốc này và phải ra tay giúp đỡ Đài Loan trong trường hợp họ bị tấn công.

Trung Quốc và Đài Loan đã tách đôi vào năm 1949 sau một cuộc nội chiến, và Bắc Kinh xem đảo quốc tự trị này là một phần lãnh thổ của mình.

Trung Quốc đã nhiều lần đe dọa sử dụng sức mạnh quân sự để nắm quyền kiểm soát Đài Loan và hiện đang bố trí chừng 1,300 phi đạn ở vùng duyên hải phía đông nhắm vào Đài Loan.

Đài Loan hiện giờ đã có nhiều phi đạn phòng thủ loại Patriot, nhưng các phi đạn Patriot trong kế hoạch vừa được loan báo là những phi đạn thuộc loại tối tân hơn.

Các giới chức Hoa Kỳ cho biết Tòa Bạch Ốc đang chuẩn bị để thông báo cho quốc hội về một gói những hệ thống vũ khí tối tân khác mà Washington dự định bán cho Đài Loan. Có tin cho hay việc thông báo này sẽ được thực hiện trong nay mai.

Một trong những vấn đề lớn nhất hiện chưa ngã ngũ là Hoa Kỳ có đồng ý bán chiến đấu cơ F-16 loại mới cho Đài Loan hay không.

Các chuyên gia quân sự nói rằng nếu kế hoạch bán máy bay F-16 được xúc tiến thì điều đó sẽ làm bùng ra những phản ứng mạnh mẽ nhất từ phía Trung Quốc, vì loại máy bay này có những tính năng cao trong cả hai mặt phòng thủ và tấn công.

Các giới chức Đài Loan phục vụ dưới quyền Tổng thống Mã Anh Cửu cho biết rằng Đài Loan cần có những máy bay này để thay cho những chiếc F-16 kiểu cũ mà họ đã mua hồi đầu thập niên 1990. Năm 2008, Hoa Kỳ đã hủy bỏ kế hoạch bán 66 chiếc F-16 cho Đài Loan sau khi gặp phải sự chống đối kịch liệt của Trung Quốc.

Kế hoạch bán vũ khí cho Đài Loan là một trong các vấn đề dự kiến sẽ trắc nghiệm các mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh trong vài tháng sắp tới. Bà Glaser của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết như sau về việc này: 'Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ nhìn thấy những sự thăng trầm. Sẽ có thêm những vụ tranh cãi về thương mại. Tổng thống Obama sẽ tiếp kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma. Hoa Kỳ sẽ bán vũ khí cho Đài Loan. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng chúng ta cũng sẽ thấy được là cả đôi bên đều hiểu rõ là có những vấn đề rất quan trọng mà họ phải cùng nhau giải quyết và không thể để cho quan hệ giữa đôi bên bị ngưng trệ'.

Hồi đầu tuần này, Đô đốc Robert Willard, Tư lệnh các lực lượng Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, đã ra điều trần trước quốc hội. Ông cho biết rằng trong các cuộc họp hồi gần đây với các giới chức quân sự Trung Quốc, Washington đã nhấn mạnh tới việc cần phải duy trì cuộc đối thoại giữa quân đội với quân đội, bất kể là đôi bên có những mối bất đồng như thế nào.

Đô đốc Willard nói thêm như sau: 'Chúng ta sẽ trắc nghiệm sự trưởng thành của mối quan hệ giữa quân đội với quân đội trong tương lai, không những chỉ đối với trách nhiệm pháp lý của chúng ta là bán vũ khí cho Đài Loan mà còn đối với những vấn đề khác giữa chính phủ hai nước'.

Các giới chức Hoa Kỳ nói rằng có một sự trái ngược giữa khả năng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc với những tuyên bố của họ là mong muốn có được hòa bình ổn định ở Á Châu Thái Bình Dương, và sự mâu thuẫn này đang được nhiều nước trong khu vực chăm chú theo dõi.

Ông Wallace Gregson - Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về vấn đề an ninh Á châu Thái bình dương, cho biết rằng trong khi Trung Quốc đã có những đóng góp rất đáng hoan nghênh - như hỗ trợ cho hoạt động duy trì hòa bình của Liên hiệp quốc và tham gia nỗ lực chống hải tặc ở Vịnh Aden, nhiều người vẫn cảm thấy lo ngại về tốc độ, qui mô và tình trạng thiếu minh bạch của công cuộc hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc.

Ông nói: 'Quân đội nhân dân Trung Quốc đang chuyển đổi từ một quân đội được xây dựng để tiến hành những cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài trên lãnh thổ của mình trở thành một quân đội có khả năng giành phần thắng trong những vụ xung đột đoản kỳ có cường độ cao trên những phần đất xung quanh với những kẻ địch có công nghệ cao'.

Tuy có sự lo ngại như vậy, các giới chức Hoa Kỳ cũng cho rằng sự trỗi dậy của một nước Trung Quốc hùng mạnh và giàu có có thể là một diễn tiến tốt cho cộng đồng của các nước trên thế giới và họ hy vọng là những mối bất đồng có thể được giải quyết thông qua đối thoại.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG