Đường dẫn truy cập

VN giữ nguyên các bản án đối với 3 nhà bất đồng chính kiến


VN giữ nguyên các bản án đối với 3 nhà bất đồng chính kiến
VN giữ nguyên các bản án đối với 3 nhà bất đồng chính kiến

Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội giữ nguyên bản án đối với hai nhà bất đồng chính kiến là kỹ sư Phạm Văn Trội và nhà văn Trần Đức Thạch về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”, vi phạm điều 88 Bộ luật hình sự. Hai phiên phúc thẩm diễn ra lúc 8 giờ sáng và 2 giờ chiều ngày 18/1/2010.

Trong cuộc trao đổi với Trà Mi của ban Việt ngữ VOA sau phiên xử hôm thứ hai, luật sư Huỳnh Văn Đông, người đại diện cho cả hai bị can tại tòa, cho biết thêm chi tiết.

Luật sư Đông: Phiên tòa xét xử ông Trội buổi chiều vẫn giữ nguyên kết quả là 4 năm tù, và phiên xử buổi sáng của ông Thạch cũng giữ nguyên kết quả là 3 năm tù.

VOA: Những lý luận luật sư đưa ra, tòa tiếp nhận như thế nào?

Luật sư Đông: Nhìn chung trong cả hai phiên tòa họ đã không cho tôi trình bày hết quan điểm. Họ cắt ngang. Thậm chí trong phiên xử ông Trội, họ không cho tôi đựơc nói hết, bắt buộc tôi phải ngồi xuống. Bức xức quá, tôi đã bỏ phòng xử án đi về.

VOA: Đối với bản án đã tuyên ở tòa sơ thẩm cách đây không lâu, luật sư đã dựa vào những cơ sở nào để bảo vệ cho thân chủ của mình trong cả hai trường hợp, thưa luật sư?

Luật sư Đông: Riêng với trường hợp ông Thạch tôi chỉ tham gia phiên phúc thẩm kỳ này, còn phiên sơ thẩm thì tôi không tham gia. Tuy nhiên, dựa vào hồ sơ vụ án và diễn tiến công khai tại phiên tòa theo nhìn nhận và đánh giá căn cứ pháp lý, thì không đủ cơ sở buộc tội ông Thạch về điều “tuyên truyền chống nhà nứơc cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Ở cả hai phiên xử, tôi chỉ yêu cầu Hội đồng xét xử cũng như đại diện Viện kiểm sát phải chứng minh rõ là bị can tuyên truyền như thế nào, nội dung tuyên truyền ra làm sao phải có chứng cứ cụ thể. Thứ hai, những tài liệu mà cơ quan tố tụng thu đựơc, có cơ quan nào khách quan giám định rằng những tài liệu đó có tính chất chống đối nhà nứơc hay không. Hoàn toàn những yêu cầu của tôi đã không đựơc đáp trả một cách xứng đáng. Họ đã né tránh.

VOA: Với phiên xử ông Thạch, luật sư nhận định rằng bản án không có đủ cơ sở về những tội trạng nêu ra. Nhưng yếu tố nào cho luật sư thấy rằng không đủ cơ sở buộc tội ông Thạch?

Luật sư Đông: Thứ nhất, ngừơi ta chỉ dựa vào hình thức để đánh giá bản chất. Họ chỉ nêu lên các tiêu đề bài viết của ông Thạch, bao gồm “Những lời gan ruột” cũng là thư ngỏ, “Thảo dân Vĩnh Phúc đang đi tìm Bao Công”, và “Tôi là phản động thật sao?” Nội dung 3 bài viết này, ông Thạch chỉ nêu lên nhìn nhận cá nhân sau khi đánh giá tình hình thực tế những gì xảy ra tại Vĩnh Phúc. Ông viết và nói lên suy nghĩ của một nhà văn, nhà thơ. Đó là quan điểm cá nhân. Chúng tôi chỉ dựa vào những gì mà pháp luật cho phép, cụ thể là điều 69 Hiến pháp nứơc cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó là quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí và những công ứơc quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Chúng tôi chỉ yêu cầu tòa, Hội đồng xét xử phải tôn trọng những điều đã cam kết bởi vì đó là quyền tự do của người ta, không ảnh hửơng đến “an ninh quốc gia” như nhận định của tòa.

VOA: Lời yêu cầu này đựơc đưa ra ở cả hai phiên xử ông Trội và ông Thạch nhưng không đựơc hồi đáp thỏa đáng?

Luật sư Đông: Đúng, không một lời hồi đáp thỏa đáng. Thậm chí có một câu hỏi rất đơn giản mà Viện kiểm sát và công tố đã né tránh không trả lời chúng tôi. Đó là khi tôi yêu cầu phân biệt hoặc giải thích cho chúng tôi biết chống đảng có phải là chống nhà nứơc hay không, nói xấu đảng có phải là nói xấu nhà nứơc hay không, hoặc hai khái niệm nhà nứơc và đảng có phải là một hay không. Nếu đó là một thì chúng tôi không có gì để nói. Viện kiểm sát cũng không trả lời cho chúng tôi được điều đó.

VOA: Bước ra từ hai phiên tòa này đã để lại cho luật sư cảm nghĩ hoặc kinh nghiệm gì cho chuyên môn của mình?

Luật sư Đông: Qua phiên tòa, tôi đánh giá là chính phiên tòa và Hội đồng xét xử hôm nay đã phỉ báng vào công ly, một động thái mà chúng tôi cho là như vậy. Và tự họ đã làm xấu đi nền tư pháp của Việt Nam.

VOA: Cả ông Trội và ông Thạch, những lời phát biểu của họ trứơc tòa như thế nào?

Luật sư Đông: Cả hai người, mặc dù tình trạng sức khỏe ông Thạch khá kém, đều khẳng định rằng những việc làm của họ là những việc làm từ lương tâm, không có gì vi phạm pháp luật cả. Họ cũng không cần xin giảm nhẹ hình phạt, họ chỉ yêu cầu tòa xem xét lại và tuyên bố họ vô tội, thế thôi.

VOA: Hai phiên xử này liệu có làm ảnh hưởng đến sự nhiệt tình cũng như sự can dự của luật sư trong các phiên tòa xét xử các nhà bất đồng chính kiến hay chăng?

Luật sư Đông: Chúng tôi có những băn khoăn. Thật sự chúng tôi cũng buồn cho nghề nghiệp của chúng tôi bởi vì lời nói của chúng tôi không đựơc tiếp thu, hay nói đúng hơn là chúng tôi chưa đựơc nói. Chúng tôi thấy rằng chưa có luật sư nào trên thế giới giống như luật sư chúng tôi ở Việt Nam cả. Cho nên chúng tôi lấy làm băn khoăn. Tuy nhiên, chúng tôi tham gia phiên tòa là để nâng cao tinh thần cho những người đấu tranh đó và để cho họ biết rằng là bên cạnh họ còn có chúng tôi. Và chúng tôi sẽ tiếp tục nếu như có ai đó yêu cầu.

Trong khi đó, ngày 19/1, tòa phúc thẩm ở Hà Nội cũng giữ nguyên bản án 3 năm tù giam đối với nhà bất đồng chính kiến Vũ Hùng.

Phát biểu với Ban Việt Ngữ đài VOA sau phiên xử, chị Lý Thị Tuyết Mai, vợ ông Vũ Hùng cho biết như sau.

Bà Tuyết Mai: “Kết quả họ vẫn giữ nguyên án sơ thẩm. Những lời lẽ luật sư đưa ra tòa án không chấp nhận và cũng chẳng nói đựơc gì hơn. Tòa án và đại diện Viện kiểm sát dù không tranh luận được nhưng cuối cùng họ vẫn giữ y án, bởi vì án này là án bỏ túi rồi. Đại diện bị can có hai luật sư là Trần Vũ Hải và Lưu Vũ Anh. Phiên tòa hôm nay chả có nghĩa lý gì. Họ đem ra xét xử để mà xét xử thôi, không thuyết phục lòng người. Lẽ ra họ phải đưa ra lý lẽ giải thích và chứng minh rõ ràng là vi phạm như thế nào, thế nhưng, cứ nói chung chung.”

Cả ba ông Trần Đức Thạch, Phạm Văn Trội, và Vũ Hùng đều bị kết án hồi tháng 10 năm ngoái vì tội “tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 Bộ Luật hình sự.

Phiên tòa xét xử luật sư nhân quyền Lê Công Định, nhà hoạt động trẻ Nguyễn Tiến Trung, ông Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long, bị truy tố với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 20/1 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hãng tin Reuters trích thuật tin tức báo chí Việt Nam cho hay nếu bị kết tội, luật sư Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung, người sáng lập tập hợp thanh niên dân chủ, có thể sẽ bị kết án từ 12 năm tù giam tới tử hình. Trong khi ông Thức và ông Long có thể phải đối mặt với bản án tối đa là 15 năm tù giam.

Theo hãng thông tấn Đức, luật sư Định bị cáo buộc tham dự một cuộc họp về hoạt động bất bạo động ở Thái Lan hồi năm ngoái, trong khi những người còn lại bị cáo buộc tuyên truyền thông tin trên mạng internet nhằm cổ súy dân chủ đa nguyên, đa đảng.

Trước đó các nhà hoạt động này bị truy tố với tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước” theo điều 88 Bộ luật hình sự, một tội danh nhẹ hơn nhiều so với tội “lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 của bộ luật này.

Hãng tin Reuters cũng trích lời giáo sư Carlyle Thayer, tại trường đại học New South Wales ở Australia, nhận định rằng sự thay đổi cáo trạng này có liên quan đến đại hội đảng lần thứ 11. Giáo sư Carl Thayer cho rằng phe bảo thủ hy vọng họ sẽ chặn trước những người trong nội bộ đảng muốn đẩy mạnh dân chủ và tự do chính trị trong xã hội cũng như hăm dọa những người ngoài đảng chớ nên sử dụng đại hội đảng như một bệ phóng để xúc tiến dân chủ.

Trả lời phỏng vấn Ban Việt Ngữ đài VOA, giáo sư Shawn McHale, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á Sigur thuộc Đại học George Washington ở thủ đô Hoa Kỳ, nhấn mạnh: “Những người này bị truy tố tội lật đổ chính quyền. Nếu Việt Nam lý luận như vậy, họ phải trưng ra những bằng chứng rõ ràng cụ thể. Bản cáo trạng chỉ quy tội chung cứ không chứng minh được những người này xúi giục lật đổ chính quyền ra sao hoặc có những hành động lật đổ như thế nào. Những gì họ làm là bày tỏ ý kiến ôn hòa, đòi hỏi cải cách để tiến bộ. Nhìn về lâu về dài, nhà nước Việt Nam đang ở trong một thế yếu, những tranh luận tại Việt Nam ngày càng mạnh và nhiều, Đảng cộng sản không thể nào quay trở lùi như thời gian những năm 90. Hà Nội phải nhìn thẳng vào thực tế”.

Từ trước tới nay, những mâu thuẫn trong nội bộ đảng thường nóng lên trước những kỳ đại hội đảng ở Việt Nam.

Nguồn: AFP, Reuters, DPA

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG