Đường dẫn truy cập

Những phiên tòa vô giá trị


<!-- IMAGE -->

Trước khi 3 phiên tòa xử các nhà dân chủ mở ra ở Hà Nội, Sài Gòn và Hải Phòng, tôi đã viết bài "Tiêu chuẩn của một phiên tòa đúng luật".

Hai phiên toà ở Hà NộiSài Gòn đã kết thúc, hội đồng xử án đã y án ông Phạm Văn Trội 4 năm tù, ông Trần Đức Thạch 3 năm tù (phúc thẩm), tuyên án ông Lê Thăng Long 5 năm tù, ông Lê Công Định 5 năm tù, ông Nguyễn Tiến Trung 7 năm tù và ông Trần Huỳnh Duy Thức 16 năm tù. Phiên tòa ngày 21 tại Hải Phòng cũng sẽ như vậy thôi.

Hai phiên tòa trên đây đã không mang tính chất công khai, qua các biện pháp mờ ám, bằng hăm doạ, cản trở các bạn bè người thân bị cáo, như nhà báo Dương Thị Xuân, bà Lê Thị Minh Tâm, mẹ của anh Nguyễn Tiến Trung và các chiến sỹ dân chủ khác đến tham dự phiên tòa; họ còn huy động nhân viên công an mặc thường phục và các đảng viên cộng sản (từng được họ huy động trong các cuộc đấu tố chính trị) ở cùng phường đến ngồi chật phòng xử, viện cớ không còn chỗ để không cho các nhà báo quốc tế và nhà ngoại giao nước ngoài vào phòng.

Tất cả các bị cáo đều công khai thừa nhận những việc mình làm, coi đó là nghĩa vụ công dân yêu nước, chủ trương đấu tranh không bạo động, do đó không phạm luật, không có tội. Riêng về ông Trần Huỳnh Duy Thức, tòa đã định để đến hôm sau 21-1 sẽ nghe luật sư Triệu Quốc Mạnh bảo vệ, nhưng chiều 20 họ đột nhiên tuyên án, kết thúc phiên toà một cách độc đoán, khuất tất, chắc rằng lo sợ dư luận khi họ không đủ chứng cứ để buộc tội và cũng không đủ lý lẽ để bác bỏ những lập luận vững chãi của phía bị cáo.

<!-- IMAGE -->

Thái độ ngay thẳng, đàng hoàng của các bị cáo bác bỏ hoàn toàn màn kịch cúi đầu "thú tội, xin khoan hồng" mà chính quyền đã công phu dàn dựng trên màn ảnh truyền hình.

Tất cả những chuyện bê bối, khuất tất của các phiên toà trên đây đều vi phạm rõ rệt pháp luật hiện hành, đặc biệt là các điều khoản Luật Tố tụng Hình sự (năm 2003) dưới đây:

- Ðiều 4: Tôn trọng mọi quyền cơ bản của công dân (ngay tại phiên tòa);
- Ðiều 9: Không bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp lý;
- Ðiều 10: Xác định sự thật của Vụ án, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án phải áp dụng mọi biện pháp để xác định sự thật, phải chứng minh tội phạm;
- Ðiều 11: Ðảm bảo quyền bào chữa của người bị tạm giam, bị can, bị cáo. Người bị tạm giam, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa;
-Ðiều 18: Việc xét xử của tòa án được tiến hành công khai, mọi người có quyền tham dự, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định.

Các vụ xử án nói trên đều được coi là công khai nhưng trên thực tế là không công khai.

Bộ Chính trị đảng Cộng sản và các Hội đồng xét xử 3 vụ án trên đang lúng túng to vì họ định làm chuyện vội vã bất ngờ, để các phái viên nước ngoài không kịp vào nước ta quan sát các phiên toà bỏ túi này (xử mỗi người chỉ 2, 3 tiếng, cực kỳ bôi bác!). Nhưng:
tại Sài Gòn từ sáng 20-1 đã có mặt một số quan sát viên rất hệ trọng, đó là:
- Luật sư ERIN L. SHAW, người Canada, uỷ viên Hội đồng Thẩm phán Quốc tế;
- Luật sư GEORGE HWANG, người Singapore;
- Luật sư SINFAH TUNSARAWUTH, người Thái Lan, đều thuộc tổ chức Hội Luật gia Quốc tế, là những đại diện am hiểu sâu sắc luật pháp, có nhiệm vụ theo dõi mọi diễn biến của vụ án, thu lượm mọi tài liệu liên quan, từ đó đối chiếu với luật trong nước và thông lệ luật quốc tế để đưa ra những nhận định chính xác, khách quan, khoa học về các vụ án này. Các vị này "đột nhập" vào được Việt Nam là do sự bảo lãnh và tiếp tay nhiệt tình của 3 đại sứ quán của 3 quốc gia Liên Âu.

Ngoài ra cũng cần nhắc đến đội ngũ nhà báo hiện có mặt ở Việt Nam của Le Monde (Pháp), Time, USA Today (Mỹ), The Age (Úc), Nhật Bản, Canada, Thuỵ Ðiển, Na Uy... đang bám và bám chặt các vụ án này, dù bận bịu nhiều công việc khác trong dịp đầu năm.

Cần biết là Luật sư Lê Công Định từng du học ở Hoa Kỳ và tốt nghiệp ở mức xuất sắc ngành luật, sau đó có quan hệ chặt chẽ với các nhà luật học thế giới; luật sư Định cũng đã từng ra trước tòa án bảo vệ luật sư Nguyễn Văn Đài và luật sư Lê Thị Công Nhân; 8 bài luận văn của Ls. Lê Công Định, nhất là bài "Không thể bạc nhược ươn hèn trước cường quyền và họa bành trướng" đã được đông đảo sinh viên ngành luật trong nước coi là những mẫu mực về lòng yêu nước và tinh thần thượng tôn luật pháp.

Cũng cần biết là thạc sỹ Nguyễn Tiến Trung đã tốt nghiệp xuất sắc ở Đại học Rennes - Pháp, được các giáo sư và đồng học tại đó quý trọng, anh từng trực tiếp gặp Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Canada để vận động cho quyền tự do cho toàn dân, và sẵn sàng chịu mọi rủi ro khi quyết dấn thân cho quyền sống tự do của toàn thể đồng bào. Câu nói của anh, “Mình không dấn thân thì ai? Không dấn thân ngay bây giờ thì bao giờ?” có sức lôi cuốn tuổi trẻ rất mạnh.

Bộ Chính trị Ðảng CS chỉ đạo rất chặt chẽ các phiên toà trên đây đến từng chi tiết nhỏ nhất. Các mức án thật ra là do chỉ thị của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng, rồi giao cho Ngành Tư pháp chấp hành. Theo nguyên tắc lãnh đạo tập trung, thống nhất, toàn diện và thường xuyên. Đây là chỗ mạnh tạm thời, cũng là chỗ yếu chí mạng của một chế độ độc đảng lạc lõng, hủ lậu cực kỳ giữa thế giới dân chủ. Bộ Chính trị ngang nhiên vi phạm điều 17 - Luật tố tụng hình sự: Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Búa rìu của công luận quốc tế, của nền thông tin quốc tế mang tốc độ số, của giới luật gia và nhân quyền quốc tế đang bắt đầu giận dữ... sẽ đến ngay vào dịp đầu năm 2010 này.

Dư luận Châu Á, dư luận Đông Nam Á và đặc biệt dư luận nước ta trong dịp đón Xuân Canh Dần sẽ có thêm khối chuyện để bàn tán và tỏ thái độ, trong đó có những vụ án này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG