Ông George McDonald, sáng lập viên của Quĩ DOE, ra đời năm 1944 trong một gia đình công giáo gốc Ireland tại bang New Jersey. Khi còn nhỏ theo học trường công giáo, và ông được dạy dỗ phải phục vụ tha nhân. Ông vẫn còn nhớ như in những lời dạy dỗ của các thầy cô: "Những ai được hưởng nhiều ân phước thì càng phải giúp đỡ người khác."
Năm 12 tuổi, cậu McDonald đã bắt đầu tự đi kiếm tiền tiêu bằng cách ra bãi biển gần nhà thu nhặt các vỏ lon bia và nước ngọt bị vứt bỏ rồi đem đổi lấy tiền lẻ tại một cửa hàng thực phẩm ở địa phương. Ông cho biết đó là một bài học thực tế về thành quả của sáng kiến và công khó của mỗi cá nhân.
Ông nói: "Điều đó lập tức cho tôi thấy là, tại nước Mỹ, không cần biết bạn là ai, nếu bạn tự nhận lấy trách nhiệm cho cá nhân bạn và làm việc cật lực, thì hầu như không có gì ngăn cản bạn thành công. Sự kiện này gây ấn tượng sâu đậm nơi tôi."
Sau khi học về ngành chính trị kinh doanh tại đại học, ông McDonald chuẩn bị tiến vào thương trường làm giàu trong ngành may mặc.
Ông cho biết: "Vì vậy tôi dọn đến New York và kiếm rất nhiều tiền. Đó là những ngày vàng son. Rượu, gái và ca hát, tôi hưởng thụ những thú vui của đời sống, vui lắm. Nhưng sau một thời gian tiêu tiền, 200 đô một bữa ăn tối, ra khỏi nhà hàng phải bước qua những người vô gia cư ngủ lăn lóc ngoài đường, điều đó khiến tôi phải suy nghĩ về giá trị của những gì mà tôi làm. Câu hỏi mà tôi tự vấn là: 'Có phải đây là cách sống mà tôi muốn cho đời tôi hay không? Lo tích lũy tiền để ăn chơi ư? Câu hỏi này khiến tôi cảm thấy không ổn với tôi chút nào.'"
Năm 1980 ông McDonald dẹp công cuộc kinh doanh, tham gia cuộc vận động cho ứng cử viên tổng thống lúc bấy giờ là Thượng nghị sỹ Ted Kennedy. Ông Ted Kennedy thất bại lần đó. Sau đó ông McDonald tự ra ứng cử dân biểu hạ viện Hoa Kỳ, với đề tài tranh cử là chấm dứt nạn vô gia cư. Sau khi thất bại trong cuộc tranh cử đó, ông trở thành một cổ động viên cho những người vô gia cư, đi vận động các giới chức thành phố và các hiệp hội để họ tiếp tay giúp đỡ. Chính ông cũng thực sự bắt tay vào việc dọn ăn cho những người vô gia cư. Ông đã làm công việc này 700 buổi tối liên tiếp.
Ông nói thêm: "Trong lúc làm công việc đó tôi hiểu được từng cá nhân bị lâm vào cảnh không nhà. Tôi hiểu ra rằng chẳng có gì khác hơn là do hoàn cảnh xô đẩy và thiếu cơ hội. Chính vì lẽ đó mà chúng tôi sáng lập Quĩ DOE để giúp những người bị gạt ra bên lề xã hội và bị bỏ rơi, không có được một cơ hội gì."
Ông McDonald bắt đầu lập quĩ DOE năm 1985, ngay thời kỳ kinh tế khó khăn tại New York, vào lúc thành phố xuống dốc. Thành phố có hàng ngàn căn hộ bỏ hoang và hy vọng sẽ sửa chữa lại để bán lấy tiền giúp cho công quĩ và thăng tiến việc sở hữu nhà cho cư dân. Ông McDonald đã thầu được một hợp đồng sửa chữa nhà cửa để cung cấp việc làm cho những người vô gia cư để họ đổi lấy một đồng lương tử tế. Trong khi đó Quĩ DOE sẽ để cho những người góp tay vào công việc sữa chữa được cư ngụ trong những căn hộ đó. Ngay từ đầu dự án này mang lại lợi ích cho tất cả.
Cho đến năm 1990, hơn 70 người vô gia cư đã kiếm được việc làm tử tế và có một chỗ để ở. Nhưng ông McDonald nhớ lại cuộc khủng hoảng năm 1993, khi vụ giảm ngân sách thành phố khiến cho chương trình này bị cắt rất nhiều. Điều đó khiến cho hầu hết những người này có thể phải rơi trở lại tình cảnh vô gia cư, ngủ đường, ngủ chợ. Cũng chính lúc đó ông McDonald nảy ra một sáng kiến. Ông mua cho họ những bộ đồng phục màu xanh dương có thêu cờ Mỹ, cho họ một cây chổi và một xô nước, đưa họ đến các khu xóm để quét dọn đường phố.
"Các cư dân thấy vậy đến hỏi han xem họ làm gì, và khi những người này giải thích cho dân trong xóm biết thì họ tự động đến bỏ tiền vào dưới khe cửa của văn phòng chúng tôi. Cư dân cảm kích hai điều: thứ nhất, đường xá được quét dọn sạch sẽ (trong những ngày ấy, dường xá bị bỏ bê khá dơ bẩn), và đồng thời người của chúng tôi lại là người hữu dụng, đóng góp cho xã hội và là những công dân đi làm trả thuế. Ai mà không thích như vậy nhỉ? Đó chính là những giây phút trọng yếu trong lịch sử của tổ chức chúng tôi. Chúng tôi lâm vào đường cùng, không biết cầu cứu ai ngoài chính chúng tôi. Và chúng tôi đã tự cứu và giải quyết được khó khăn. Đó cũng chính là triết lý của Quĩ DOE."
Ngay cả một người khiêm nhường như ông McDonald cũng phải thừa nhận rằng tạo được một tổ chức như Quĩ DOE phải cần nhiều hơn là chỉ có cơ hội đúng lúc. Năm 2010 Quĩ đã thu được trên 600 triệu đô la và có trên 4 ngàn người hoàn tất xong những chương trình mà họ tham gia, mỗi người đều có chỗ ở riêng của họ, và có đồng lương do công ăn việc làm đem lại. Ông McDonald tin rằng giúp người vô gia cư có thể là một vấn đề đơn giản, nhưng nguyên nhân đưa đến tình cảnh vô gia cư lại phức tạp. Theo ông, một trong những nguyên nhân là tình trạng kỳ thị chủng tộc vẫn còn. Người da đen ngồi tù ở một tỉ lệ cao hơn người da trắng rất nhiều, và khi họ được trả tự do, thường lại rơi vào cảnh vô gia cư, và vì trong hoàn cảnh tuyệt vọng, họ lại phạm tội và rồi lại phải quay trở lại con đường tù tội. Ngày nay, ông McDonald đang chú tâm đến vấn đề làm sao giúp cho những người đã vi phạm luật pháp trước đây hội nhập trở lại vào xã hội, bằng một phương cách hữu dụng và giữ được nhân phẩm cho họ:
"Tôi cho rằng đây là vấn đề dân quyền của thời đại chúng ta. Tôi không biết là thượng đế còn cho tôi bao nhiêu ngày tháng nữa, nhưng tôi muốn dùng từng ngày còn lại một để cỗ vũ sự chú ý của công chúng hầu tìm ra giải pháp cho vấn đề. Tôi quyết tâm gắn bó với việc làm này."
Do nền kinh tế suy yếu và những yếu tố khác, tình trạng vô gia cư đang tăng lên ở Hoa Kỳ; tổ chức DOE đã chứng kiến thấy con số người nộp đơn xin quĩ giúp đỡ tăng mạnh ở New York cũng như ở 4 thành phố khác nơi mà tổ chức này có văn phòng hoạt động. Chưa ai đoán được khi nào thì tình hình sẽ khá hơn, nhưng có một diều chắc chắn là ông George McDonald sẽ làm bất cứ điều gì trong khả năng để bảo đảm là tất cả mọi công dân đều giữ được lòng tự trọng và có được cơ hội mà họ xứng đáng được hưởng.
Thưa quí vị, Câu Chuyện Nước Mỹ tuần này sẽ tường trình về Quĩ DOE (DOH), một tổ chức bất vụ lợi trụ sở tại New York, chuyên giúp đỡ những người vô gia cư, cung cấp chỗ ở và việc làm cho họ và dần dần giúp họ tự lực cánh sinh để giữ được lòng tự trọng. Mời quí vị nghe các chi tiết sau đây với Lan Phương qua bài viết của thông tín viên Adam Phillips.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1