Ấn Ðộ và Hoa Kỳ sẽ tìm cách khởi động lại bang giao trong chuyến thăm sắp tới của Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry. Từ New Delhi, nơi các cuộc đàm phán trong tuần này sẽ là cuộc giao tiếp cấp cao đầu tiên giữa hai nước kể từ khi chính phủ hữu khuynh do Thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo lên nhậm chức, thông tín viên VOA Anjana Pasricha gửi về bài tường thuật sau đây.
Từ nhiều tháng, bang giao Mỹ-Ấn đã chiếm các tít lớn vì những lý do không đúng đắn Washingon từ chối cấp thị thực cho nhà lãnh đạo có chủ trương dân tộc Ấn giáo nay là Thủ tướng Ấn Ðộ, và một vụ tranh cãi xấu xa về việc bắt giữ một nhà ngoại giao Ấn Ðộ ở New York hồi tháng 12 năm ngoái.
Nhưng bầu không khí tích cực hơn vào lúc chính phủ của đảng Bharatiya Janata ở Ấn Ðộ chuẩn bị đón tiếp Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đến dự cuộc Ðối thoại Sách lược Ấn Ðộ- Hoa Kỳ lần thứ 5 khai mạc vào cuối tuần này.
Vấn đề từ chối thị thực được dẹp qua một bên sau khi ông Modi đắc cử và chính phủ Hoa Kỳ tiếp xúc với ông và mới ông đi thăm Washington vào tháng 9.
Một giáo sư tại trường Ðại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, ông Chintamani Mahapatra, gợi lại rằng cơ sở cho một mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Ấn Ðộ và Hoa Kỳ đã được thiết lập bởi một chính phủ của đảng BJP cách đây 15 năm. Ông trông đợi ông Modi, được nhiều người cho là một nhà lãnh đạo thực tiễn, cũng sẽ làm như vậy.
“Một lần nữa đảng BJP lại lên nắm quyền, họ có một lịch sử cho nên họ sẽ cải thiện bang giao với Hoa Kỳ với mục tiêu duy nhất là cải thiện các khả năng kinh tế và phòng vệ và sự khả tín chính trị của Ấn Ðộ.”
Các nhà lãnh đạo Ấn Ðộ dự trù sẽ đề nghị Hoa Kỳ đầu tư và giao thương nhiều hơn trong khi họ tìm cách phục hồi nèn kinh tế hướng tới con đường tăng trưởng cao.
Tuy nhiên, ông Manoj Joshi thuộc Quỹ Nghiên cứu Người Quan sát tại New Delhi nêu ra rằng các tranh chấp dai dẳng giữa hai nước về các vấn đề như thương mại, chủ nghĩa bảo hộ và bản quyền sẽ gây ra những trở ngại.
“Những kỳ vọng của Ấn Ðộ cơ bản là về mặt trận phát triển, bởi vì trọng tâm của chính phủ Modi thực sự đặt vào vấn đề phát triển kinh tế. Ngay lúc này, Ấn Ðộ và Hoa Kỳ có một số vấn đề có liên quan đến WTO và các vấn đề về quyền sở hữu trí thức, vân vân. Chắc chắn phía Ấn Ðộ sẽ trông đợi Hoa Kỳ có thể giúp ích nhiều hơn trong những lãnh vực đó.”
Các quan sát viên như Giáo sư Mahapatra vẫn tỏ ra lạc quan. Ông nói những bất đồng như thế vẫn hiện hữu giữa các đối tác thân thiết nhất.
“Những sự kiện này sẽ nằm trong khuôn khổ của tiến trình, chúng sẽ không gây thiệt hại, chúng sẽ không phá vỡ mối bang giao, mà đúng ra sẽ nằm trong khuôn khổ những thách thức mà hai nước cần phải bàn thảo qua đối thoại trong cách thức mà ông John Kerry sẽ xác lập.”
Tại Ấn Ðộ, những mối quan ngại cũng tăng cao rằng việc triệt thoái quân đội tác chiến khỏi Afghanistan có thể dẫn đến sự gia tăng về bạo động khủng bố trong khu vực.
Ông Manoj Joshi nói đây là một vấn đề có thể xảy ra cho một chính phủ đang nhấn mạnh đến sự cần thiết về an ninh ở Nam Á.
“Ấn Ðộ có một số tham vọng nào đó trong khu vực, một chính sách ngoại giao nào đó, mà chính phủ Modi đã rất tích cực theo đuổi. Tôi nghĩ chắc chắn khi bàn về những nước như Afghanistan và Pakistan, chính phủ Ấn Ðộ sẽ tán thành một chính sách của Hoa Kỳ có thể thúc đẩy ổn định trong khu vực.”
Ðịa điểm cuộc đối thoại Sách lược Ấn Ðộ-Hoa Kỳ được chuyển từ Washington qua New Delhi để dành cho các giới chức Mỹ cơ hội gặp gỡ các nhà lãnh đạo cấp cao nhất trong chính phủ của đảng BJP.
Ða số các quan sát viên trông đợi cuộc đối thoại, tổ chức vào ngày thứ năm này, sẽ đem lại một động năng nào đó cho mối bang giao, nhưng không trông đợi tiến bộ nào mau chóng.