Thiện Ý
Theo tin từ Việt Nam, ngày 12-6 vừa qua, Luật An ninh mạng đã được Quốc hội của nhà nước độc tài đảng trị biểu quyết thông qua với 423 trong tổng số 466 đại biểu có mặt tán thành (tỷ lệ 86,86%); 15 đại biểu không tán thành; 28 đại biểu không biểu quyết. Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ tháng 1-2019.
Như vậy là sau Luật hình “bịt miệng” nhân dân, nay Đảng và nhà cầm quyền Việt Nam làm thêm Luật An ninh mạng (ANM) để “xiết cổ” nhân dân. Vậy nhân quyền Việt Nam sẽ đi về đâu?
I. Luật hình ‘bịt miệng’, an ninh mạng ‘xiết cổ’ nhân dân
Luật An ninh mạng gồm bảy chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. An ninh mạng được luật này định nghĩa như là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng, không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bảo vệ an ninh mạng là phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm trong lĩnh vực này.
Mục tiêu chính hay là “Điểm” mà đảng và nhà đương quyền Việt Nam nhắm tới là để tiêu diệt mọi đối kháng, bảo vệ chế độc độc tài đảng trị hay toàn trị, được thể hiện nơi Điều 8 của Luật An ninh mạng (Các hành vi bị nghiêm cấm), quy định chi tiết sáu nhóm hành vi bị nghiêm cấm. Cụ thể, người dùng Internet bị cấm sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi: Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước; Xuyên tạc lịch sử, nói xấu lãnh tụ, lãnh đạo, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới tính, phân biệt chủng tộc (chỉ là diện làm nhẹ bớt tính “điểm” của Luật cho có vẻ “vô tư”);… Các hành vi như: Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác cũng bị cấm.
Như vậy có thể nói bao lâu nay đảng và nhà đương quyền Việt Nam đã dùng Bộ Luật hình sự (áp dụng nhiều nhất là các Điều 79: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Điều 83: Tội tuyên truyền chống Nhà nước; Điều 89: tội phá rối an ninh trật tự…) để “bịt miệng” nhân dân trên không gian thực địa, nay làm thêm luật An ninh mạng để có thêm công cụ pháp lý “xiết cổ” người dân dám có lời nói, hành động, bài viết, phim ảnh chuyển tải trên không gian mạng bất cứ điều gì bất lợi cho chế độ độc tài toàn trị, dù đó là sự thật cũng đều bị gán ghép là “ Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân…” ; bị kết tội “sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi: Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước…” .
Vì rằng, mục tiêu chính hay là “Điểm” trên đây của cái gọi là “Luật An ninh mạng” đã được chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của cái gọi là “Đảng CSVN” không cần che dấu, đã “nói toạc móng heo” trong một cuộc tiếp xúc với dân mới đây, đại ý rằng đã đến lúc không thể để cho cư dân mạng tự do nói xấu, xuyên tạc “Đảng và nhà nước ta”, phải bị trừng trị đích đáng để bảo vệ chế độ, bảo vệ thanh danh (ảo) của lãnh tụ và uy tín (vốn không có) của các lãnh đạo “Đảng và Nhà nước ta” (chứ không vì quyền tự do ngôn luận, tư tưởng của nhân dân như Hiến pháp hiện hành của chế độ quy định. Tất nhiên rồi)
II. Nhân quyền Việt Nam đi về đâu?
Tất cả những quy dịnh trong Luật An ninh mạng và lời tái khẳng định của Ông Tổng Trọng (xin đừng lầm với tên gọi Chánh Tổng, Lý Trưởng trong làng xã Việt Nam xưa dưới thời thưc dân Pháp đô hộ),thực sự đã không làm ai ngạc nhiên. Vì đó vốn là bản chất của một chế độ độc tài đảng trị hay toàn trị, vận dụng triệt để luận điểm của chủ nghĩa Mác-Lê, rằng Luật pháp chỉ là công cụ pháp lý của giai cấp thống trị thông qua bộ máy nhà nước để áp bức, bóc lột giai cấp bị trị. Nhân dân Việt Nam hiện nay chính là giai cấp bị trị đang bị giai cấp thống trị độc quyền là các cán bộ đảng viên CS áp bức bóc lột toàn diện, trong đó có các quyền tự do dân chủ, nhân quyền,
Không ngạc nhiên, nhưng người dân Việt Nam rất phẫn nộ.
- Vì Quốc hội Việt Nam mang danh là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, hưởng lương bổng bằng tiền thuế của dân, mà đã theo lệnh của Đảng cầm quyền làm ra Luật ANM phản dân chủ, trái với ý dân, vi phạm trắng trợn các quyền tự do, dân chủ, nhân quyền cơ bản, trong đó có quyền tự do tư tưởng, truyền thông… được chính Hiến pháp hiện hành của chế độ quy định.
-Vì Nhân dân phải đóng thuế chi trả quá nhiều cho một đạo luật làm ra để chống lại các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của chính mình trên lãnh vực truyền thông, tự do tư tưởng; uất ức vì phải chi trả một số tiền quá lớn, từ khi khởi sự Dự luật ANM được chính phủ đưa qua quốc hội năm 2014, qua thời gian dài bốn năm nghiên cứu, thảo luận, lấy ý kiến dân chiếu lệ (cho có vẻ dân chủ) đến ngày biểu quyết thông qua 12-6-2018. Chưa hết, tốn kém còn nặng nề hơn khi đi vào thực hiện Luật ANM, ngân sách quốc gia còn phải chi trả trong một thời gian lâu dài (Điều 35. Kinh phí bảo đảm hoạt động bảo vệ an ninh mạng) cho một đội quân hàng chục ngàn người bên công an, quân đội, các ban ngành chính quyền các cấp mang tên “lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng” để theo dõi, rình rập bắt bớ bỏ tù nhân dân vi phạm Luật ANM (Điều 30. Lực lượng bảo vệ an ninh mạng)
Vì thế nhân dân bị trị đã không ngạc nhiên mà chỉ bất bình, phẫn nộ, phản kháng tự phát bằng các cuộc xuống đường biểu tình tràn lan khắp đất nước trong nhiều ngày qua chống “Luật An ninh mạng” (phản dân chủ) cùng lúc chống “Luật Đặc khu kinh tế” (Phản quốc). Hiện tượng này Ông Tổng Trọng và các đồng chí môn đồ chủ nghĩa Mac-Lê hơn ai hết chắc phải biết nó nằm trong phạm trù quy luật đấu tranh giai cấp, rằng “Ở đâu có áp bức là ở đó có đấu tranh” và rằng “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Người viết xin thêm “Một chế độ thiết lập bằng bạo lực, duy trì bằng bạo lực, thì sớm muộn cũng bị hủy diệt do tự bản chất và do sức mạnh vùng lên của những con người bị áp bức, bóc lột” (1)
Vậy sau luật ANM “xiết cổ” nhân dân, tăng cường cho Luật Hình sự “bịt miệng” nhân dân bấy lâu nay,nhân quyền sẽ đi về đâu?
Ai cũng có ngay câu trả lời tổng quát là, nhân quyền Việt Nam tiếp tục bị đảng và nhà đương quyền bác đoạt, chà đạp mạnh mẽ, ác liệt hơn nữa. Thế nhưng không chỉ là niềm tin mà là một thực tế, rằng tương lai nhân quyền vẫn sống hùng, sống mạnh và tồn tại vĩnh viễn trong lòng người dân Việt Nam, trên đất nước Viêt Nam; vì chế độ nào rồi cũng qua đi, Dân là vạn đại, dân tộc, đất nước là trường tồn vĩnh cửu. Vì đó là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm, bất khả triệt tiêu của con người. Bởi đó là “một thực thể bất khả phân. Có con người là phải có tự do và nhân quyền, thiếu nó con người sẽ sống trong lo âu sầu tủi và nhân phẩm bị hạ thấp ngang tầm loài vật”! (2)
III. Kết luận
Vì vậy, dù đảng và nhà cầm quyền trong chế độ độc tài đảng trị hiện nay có làm thêm nhiều luật kiểu Luật ANM, để mở rộng không gian, tăng cường mọi biện pháp răn đe nhằm bác đoạt nhân quyền và các quyền dân chủ, dân sinh của người dân, cuối cùng cũng sẽ thất bại hoàn toàn. Bởi vì, lịch sử và thực tế đã chứng minh rằng, mọi công cụ pháp lý, Tòa án, nhà tù, pháp trường của giai cấp thống trị trong chế độ độc tài các kiểu như độc tài toàn trị CSVN không làm giảm ý trí đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền của giai cấp bị trị là người dân. Trái lại, thực tế rồi dây trong những ngày tháng tới, sức sống và sự trường tồn của nhân quyền tiếp tục được thể hiện mạnh mẽ hơn qua những tiếng nói đòi tự do, dân chủ, nhân quyền, thể hiện bất đồng chính kiến, tố cáo, vạch trần những sai trái của chế độ và các quan chức trong giai cấp cán bộ đảng viên cầm quyền vẫn vang lên mạnh mẽ, nhân rông hơn; không từ một cá nhân, một nhóm vài ba chục mà lan rộng đến hàng triệu để sau cùng đến hơn 90 triệu nhân dân Việt Nam. Đó là sự toàn thắng và tất thắng của tự do, dân chủ và nhân quyền đối với chế độ độc tài đảng trị hay toàn trị tại Việt Nam.
Thiện Ý
Houston, ngày 26-6-2018
GHI CHÚ:
- và (2): Trích “Tuyên ngôn Nhân Quyền Việt Nam 1977” do người viết khởi thảo.
- Những Điều khoản trích dẫn Luật An ninh mạng.
Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi sau đây:
a) Hành vi quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này;
b) Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
c) Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc;
d) Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác;
đ) Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng;
e) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.
2. Thực hiện tấn công mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
3. Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.
4. Chống lại hoặc cản trở hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh mạng; tấn công, vô hiệu hóa trái pháp luật làm mất tác dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng.
5. Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi.
6. Hành vi khác vi phạm quy định của Luật này.
Điều 9. Xử lý vi phạm pháp luật về an ninh mạng
Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 30. Lực lượng bảo vệ an ninh mạng
1. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng được bố trí tại Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
2. Lực lượng bảo vệ an ninh mạng được bố trí tại Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
3. Tổ chức, cá nhân được huy động tham gia bảo vệ an ninh mạng.
Điều 35. Kinh phí bảo đảm hoạt động bảo vệ an ninh mạng
1. Kinh phí thực hiện hoạt động bảo vệ an ninh mạng của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị do ngân sách nhà nước bảo đảm, được sử dụng trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm. Việc quản lý, sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
2. Kinh phí thực hiện hoạt động bảo vệ an ninh mạng cho hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức ngoài cơ quan nhà nước do cơ quan, tổ chức tự bảo đảm.