Các nhà hoạt động đang tị nạn chính trị ở Bangkok bày tỏ lo ngại với VOA rằng sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa cảnh sát Thái Lan và công an Việt Nam khiến họ có thể bị bắt và dẫn độ về nước bất cứ lúc nào.
Hôm 20/8, Cổng thông tin Bộ Công an Việt Nam loan báo Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an đã có buổi tiếp đoàn đại biểu Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan do tướng Torsak Saardpark, Cố vấn đặc biệt Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan làm Trưởng đoàn đang có chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam.
Trong chuyến thăm Việt Nam của tướng Saardpark, hai bên tuyên bố tăng cường hợp tác, “đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm khủng bố, tội phạm ma túy, tội phạm công nghệ cao…bảo đảm an ninh, an toàn cho các cơ quan đại diện ngoại giao, doanh nghiệp và công dân hai nước.”
Cơ quan Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan luôn sẵn sàng hợp tác với Bộ Công an Việt Nam trên các lĩnh vực mà hai Bên cùng quan tâm.Tướng Thái Saardpark
Ông Saardpark nhấn mạnh, việc gặp gỡ, trao đổi, hợp tác giữa hai Bên là hoạt động hết sức có ý nghĩa, thiết thực. Ông nói: “Cơ quan Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan luôn sẵn sàng hợp tác với Bộ Công an Việt Nam trên các lĩnh vực mà hai Bên cùng quan tâm.”
Từ Bankgok, các nhà hoạt động cho dân chủ và nhân quyền Việt Nam đang xin tị nạn ở Thái Lan cho VOA biết họ rất hoang mang trước sự hợp tác ngày càng chặt chẽ của an ninh hai nước.
Ông Đoàn Huy Chương, người từng bị chính quyền Việt Nam giam tù bảy năm và vừa được Cao ủy Tị nạn LHQ (UNHCR) cấp quy chế tị nạn, nói:
“Công an Việt Nam hợp tác với Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan gây cho chúng tôi sự hoang mang. Nhiều người khuyên chúng tôi nên thận trọng.”
Bà Nguyễn Thị Thùy, trưởng nhóm tranh đấu bảo vệ Hiến Pháp, hiện đang ẩn náu ở xứ Chùa Tháp và chưa được một tổ chức quốc tế nào giúp đỡ, nói với VOA:
Những người tị nạn chính trị như tôi thì vô cùng hoang mang trước sự hợp tác đó. Những người thật sự gặp nguy hiểm đã nằm trong tầm ngắm của chính quyền Việt Nam.Nguyễn Thị Thủy
“Những người tị nạn chính trị như tôi thì vô cùng hoang mang trước sự hợp tác đó. Những người thật sự gặp nguy hiểm đã nằm trong tầm ngắm của chính quyền Việt Nam; họ đã thoát hiểm bằng con đường vượt biên trái phép, vì vậy trên đất nước này chúng tôi đã có sẵn một tội danh là nhập cư trái phép.
“Chúng tôi có thể bị bắt bất kỳ lúc nào với tội danh này. Nay lại có thêm cam kết hợp tác giữa hai bên nữa thì độ bất an toàn cho người tị nạn càng tăng cao.”
Ông Đoàn Huy Chương cho biết thêm:
“Đầu năm 2019, công an Việt Nam đã hợp tác với cảnh sát Thái Lan để bắt cóc anh Trương Duy Nhất.
Có thể công an Việt Nam đã nằm vùng ở đây... để theo dõi những người hoạt động khiến các anh chị phải chuyển nhà trọ liên tục.Ông Đoàn Huy Chương
“Có thể công an Việt Nam đã nằm vùng ở đây, hay cử người từ đại sứ quán hay các cơ sở của họ trên đất Thái Lan để theo dõi những người hoạt động, các trưởng nhóm đang tị nạn… khiến các anh chị phải chuyển nhà trọ liên tục.”
Vào tháng 1/2019, truyền thông quốc tế loan tin rằng cựu tù nhân chính trị Trương Duy Nhất bị mất tích ở Thái Lan sau khi đến văn phòng UNHCR tại Bangkok hôm 25/1.
Hai tháng sau, Bộ Công an Việt Nam cho biết ông Trương Duy Nhất bị giam giữ để điều tra vì có liên quan tội ‘lạm dụng chức vụ, quyền hạn,’ với một cáo buộc có từ 15 năm trước.
Cơ quan Truyền thông Toàn cầu của Hoa Kỳ (USAGM) bày tỏ quan ngại việc nhà báo Trương Duy Nhất, một cộng tác viên của đài Á Châu Tự do (RFA), bị bắt ở Thái Lan và hiện đang bị chính quyền Việt Nam giam cầm, truy tố.