Phản ứng trước mục tiêu của chính quyền Việt Nam dùng mạng xã hội nội địa để “kéo não” người Việt ở lại trong nước, các nhà hoạt động cho tự do báo chí nói với VOA rằng tham vọng của Hà Nội khó thành hiện thực.
Hôm 15/8, tại một phiên chất vấn ở Quốc Hội được đài VTV tường thuật trực tiếp, Bộ Trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng tình trạng mạng xã hội (MXH) ngoại thống lĩnh hiện nay giống như người Việt để “não” của mình ở nước ngoài và đặt mục tiêu đến năm 2020 và chậm nhất là năm 2021 phải cân bằng lại, kéo giữ 50% “não” của người Việt ở trong nước.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng nói:
“Nếu như Việt Nam không có MXH cho chính mình thì tất cả những gì chúng ta nói, nghĩ, đọc… đều được lưu trữ ở nước ngoài. Nói vui thì ví như não của người Việt Nam ở nước ngoài.
Chúng ta đặt mục tiêu xây dựng MXH ở trong nước để làm sao MXH trong nước có số người dùng tương đương với MXH nước ngoài, để não người Việt Nam phân tán đều.Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
“Chúng ta đặt mục tiêu xây dựng MXH ở trong nước để làm sao MXH trong nước có số người dùng tương đương với MXH nước ngoài, để não người Việt Nam phân tán đều.
“Có thể vào năm 2020, hoặc chậm nhất là vào năm 2021, chúng ta đạt được 50-50.”
Từ Hà Nội, nhà báo độc lập Nguyễn Lân Thắng nêu nhận định về phát biểu của ông Nguyễn Mạnh Hùng:
“Họ muốn kiểm soát luồn thông tin trên MXH nên họ đã đưa ra rất nhiều tuyên bố rằng muốn có MXH để làm sao kiểm soát, nắm giữ thông tin, bí mật của người dùng ở Việt Nam.
Các kế hoạch, mục tiêu chỉ là tuyên bố, chứ thực sự tôi nghĩ rằng trình độ và khả năng của chính phủ Việt Nam trong việc kiểm soát MXH là không thể.Nhà báo độc lập Nguyễn Lân Thắng
“Các kế hoạch, mục tiêu chỉ là tuyên bố, chứ thực sự tôi nghĩ rằng trình độ và khả năng của chính phủ Việt Nam trong việc kiểm soát MXH là không thể.”
Cùng ý kiến như vậy, nhà báo Đường Văn Thái, hiện đang tị nạn ở Thái Lan, nói: “Về truyền thông thì báo chí chính thống ở Việt Nam đã lép vế so với MXH,” do đó nhà nước có chủ trương xây MXH như là một công cụ để truyên truyền, định hướng dư luận trong nước.
Ông Thái nhận định rằng nhà nước sẽ tăng cường kiểm duyệt nội dung trên MXH, ngay cả khi người đăng bài không ở trong nước.
“Ở Việt Nam mặt báo chính thống đã lép vế so với MXH.
“Có những thông tin chúng tôi đưa ra có chứng cứ, phản ánh sự thật, nhưng họ cho rằng không đúng.
“Mạng Facebook bị chỉ đạo để lọc những bài viết nhạy cảm, liên quan đến chính trị, lãnh đạo cao cấp… hoặc họ dùng các nick ảo vào comment, chửi bới.
“Hiện tôi đang bị report, treo nick trong 30 ngày, coi như là bị bịt miệng.”
Truyền thông quốc tế nhận định rằng Việt Nam gần đây đã đưa ra một loạt đòi hỏi đối với các tập đoàn công nghệ quốc tế, như đòi Facebook và Google xóa những thông tin ‘xấu độc’, đóng các trang mạng được cho là nói xấu, chỉ trích nhà nước hay các quan chức, hay đòi các công ty công nghệ cung cấp thông tin của người dùng theo yêu cầu của phía Việt Nam, những điều có thể đi ngược lại tôn chỉ hoạt động ban đầu của các công ty này.
Tạp chí Asia Nikkei Review hôm 14/8 dẫn lời Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Yusof Ishak ở Singapore (ISEAS), bày tỏ hoài nghi về tham vọng của Hà Nội trong việc cạnh tranh với Facebook.
Tiến sĩ Hiệp nói: “Tôi không tin là Việt Nam có khả năng phát triển các nền tảng truyền thông xã hội khả thi để có thể cạnh tranh với các tay chơi toàn cầu như Facebook và Google.”
Chừng nào mà còn Facebook và Google, thì các nền tảng truyền thông xã hội nội địa không thể là chọn lựa tối ưu của người sử dụng Việt Nam.Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp
“Chừng nào mà còn Facebook và Google, thì các nền tảng truyền thông xã hội nội địa không thể là chọn lựa tối ưu của người sử dụng Việt Nam,” ông Hiệp nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Lân Thắng nói những tuyên bố kiểu “hô hào” của Việt Nam chủ yếu nhằm để được duyệt ngân sách.
“Ở Việt Nam thường hay tuyên bố rất là ‘ghê,’ phần nhiều có liên quan đến vấn đề ngân sách.
“Họ ‘hô’ như vậy để được phân bổ ngân sách, để làm việc này, việc kia. Chuyện nói và chuyện làm được hay không và hai việc hoàn toàn khác nhau!”
Từ khi Facebook vào thị trường Việt Nam cho đến năm 2017, Hà nội đã cấp hơn 300 giấy phép cho các mạng xã hội nội địa, nhưng số mạng xã hội thực sự hoạt động chỉ đếm được trên đầu ngón tay, trang Asia Nikkei Review nhận định.