Cách đây vài năm tôi có đọc được một quyển sách rất hay dạy về cách làm cha mẹ (parenting) của các bậc phụ huynh có nhiều người con nay đã trưởng thành. Sau khi trình bày vấn đề và phân tích tại sao giữa con trai và con gái có những sự khác biệt nhất định về tính tình và sở thích từ lúc còn ở trong nôi, quyển sách đã đưa ra một số lời khuyên cho các bậc cha mẹ nên làm gì để có thể nuôi nấng và dạy bảo những đứa con được tốt hơn. Đặc biệt là sau khi hiểu rõ được tính tình của mỗi đứa.
Nhưng trong bài blog này tôi lại không muốn đi sâu vào vấn đề đó. Vì thật ra tôi cũng chưa có nhiều kinh nghiệm ‘xương máu’ cho lắm đối với vấn đề! Có lẽ nên đợi đến khi chính tôi có dịp thực hành và trải nghiệm thì tốt hơn.
Hôm nay tôi muốn nhắc đến một điểm phân tích trong quyển sách đó mà sau khi tôi đọc xong và suy ra thì nó đúng là như thế. Đó là có một sự khác biệt về tính tình giữa người con cả, người con giữa và người con út trong gia đình.
Và nó có lý do của nó.
Quyển sách cho biết thông thường người con cả sẽ là người bình thản, từ tốn và ‘bình thường’ nhất trong cả ba. Nó là đứa khi lớn lên sẽ chọn những nghề nghiệp có tính cách vững vàng và ổn định như làm công chức, bác sĩ hoặc kỹ sư.
Khác với đứa con giữa luôn được cho là hơi ‘khác người’, có cá tính tự lập cao và hài hước. Khi lớn lên việc làm thường được những đứa con giữa chọn cũng có những tố chất như thế. Như làm nghệ thuật (artists), chơi thể thao và sẵn sàng đi sang một nơi khác lập nghiệp. Bất kể nghiệp ấy là nghiệp gì.
Và điều đấy cũng có nghĩa là nó sẽ khác với đứa con út trong gia đình thường lại muốn ở gần cha mẹ ngay cả khi đã trưởng thành và hoàn toàn không sẵn sàng làm những chuyện có tính cách may rủi. Có bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Đấy là bản chất của những đứa con út. Nó sẽ không suốt ngày chỉ biết lo làm ăn như những đứa con cả và cũng không giống như những đứa con giữa lúc nào cũng sẵn sàng bỏ nhà đi tiếu ngạo giang hồ. Quyển sách đã đưa ra kết luận đặc điểm cũng như tính chất của những người con út là như thế.
Nhưng thưa tại sao vậy?
Quyển sách đã cho biết lý do rất đơn giản và nó hoàn toàn không liên quan gì đến ‘genes’ hoặc nói theo kiểu người Việt Nam chúng ta là ‘cha mẹ sinh con, trời sinh tính’. Vì tính tình trong trường hợp này không quan trọng bằng hoàn cảnh sinh ra của mỗi đứa con.
Đầu tiên, vì người con cả là đứa con thứ nhất nên phần lớn các bậc cha mẹ thường để ý đến nhiều hơn và dạy cho đứa con này kỹ hơn. Bởi không những nó là đứa duy nhất mà còn là vì đây là lần đầu tiên mà họ làm cha mẹ nên họ rất cẩn thận. Phàm ở đời điều gì chúng ta làm lần đầu tiên cũng thường thận trọng và chu đáo hơn.
Đứa con thứ nhất vì vậy từ nhỏ đã luôn được chỉ bảo thế nào là đúng, khi nào là sai. Và nó cần phải làm gì trước khi cảm nhận được tình thương, sự chú ý từ cha mẹ. Đó là nó cần phải luôn là ‘đứa con ngoan, học trò giỏi’.
Cho đến khi đứa thứ hai xuất hiện.
Khi ấy một phần vì các bậc cha mẹ đã có nhiều kinh nghiệm nên họ đã không còn cần phải cẩn thận như lúc ban đầu. Một phần khác vì đấy đã là đứa thứ hai nên họ cũng dễ dàng chấp nhận hơn cho nó có nhiều tự do trong suy nghĩ và hành động.
Cùng một lúc những đứa bé sinh ở giữa từ nhỏ cũng đã tự cảm nhận được rằng nó sẽ không thể nào so sánh bằng thằng anh, con chị của nó. Từ kiến thức cho đến sự quen biết (connection) đối với những người chung quanh. Nếu phải làm một ‘đứa con ngoan, học trò giỏi’ thì chắc là nó sẽ không bao giờ sánh bằng.
Bởi thế nó cần phải tự tạo cho nó một điều gì đó mà người con cả không có được hoặc chưa làm được. Như sự khôi hài hoặc làm những gì ‘bất thường’ để tạo được sự chú ý (attention) và tình thương của cha mẹ. Khi lớn lên, tính tình và cuộc sống của nó cũng vì thế khác rất nhiều so với đứa con cả.
Cũng như khác rất nhiều so với đứa con út.
Vì khi người con út được sinh ra, phần lớn đứa con cả đã ít nhiều trưởng thành và không còn là một ảnh hưởng tâm sinh lý đối với nó. Ngược lại, người con út lần này còn được nhiều sự chú ý hơn tất cả mọi người, từ cha mẹ cho đến anh em trong gia đình. Nó được nuông chiều hơn mà không cần phải tranh đấu hoặc so đo với bất cứ một ai vì nó là đứa sẽ luôn được cho là nhỏ nhất và cần được bảo vệ nhất.
Và cũng vì thế nó sẽ thích an phận, thích ở gần gia đình hơn ngay cả khi đã trưởng thành.
Không biết các bạn đọc nghĩ thế nào về sự nhận xét và phân tích rất ư là khoa học này nhưng riêng tôi thì cảm thấy nó rất đúng. Đúng không những đối với bản thân mình, gia đình mình mà còn đối với những người mà tôi đã từng có dịp nói chuyện qua.
Tôi chỉ không biết nếu đứa bé là con một thì kết quả sẽ ra sao? Hoặc cặp vợ chồng nào có đến 10 người con thì tính tình của mỗi đứa sẽ được giải thích như thế nào?