Đường dẫn truy cập

Lê Thị Công Nhân


Mấy hôm nay ngày nào lên mạng để đọc báo tiếng Việt tôi cũng nghe nhắc đến cái tên Lê Thị Công Nhân. Dĩ nhiên ngoại trừ các báo được đăng ở Việt Nam. Nghĩ cũng lạ. Mỗi khi nhắc đến báo chí Việt Nam thì các nhà lãnh đạo cộng sản từ Ông Mạnh, Ông Triết cho đến Ông Dũng đều cho là báo chí Việt Nam luôn được tự do, thoải mái cập nhật thông tin. Và có hàng chục, hàng trăm tờ báo ngày, báo tuần ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam phản ảnh trung thực tiếng nói của người dân, ‘góp phần vào công cuộc đổi mới’.

Thế mà chỉ có cái tên Lê Thị Công Nhân thì lại không có ai dám nhắc đến. Nghĩ cũng lạ thật. Và càng lạ hơn nữa là họ vẫn có thể luôn phát biểu những câu đại loại như thế mà không cố nghĩ lại rằng bất cứ ai có điều kiện lên mạng để tìm hiểu thông tin trong thời đại này đều có thể tự xác nhận và có kết luận cho riêng mình. Không cần phải nghe thông tin một chiều. Hoặc chính xác hơn là không để cho mình bị tiếp tục nhồi sọ nữa.
Trong tương lai khi đất nước Việt Nam thật sự có tự do và người dân được thật sự làm chủ, tôi nghĩ người mà chúng ta cần phải cảm ơn đầu tiên là khoa học gia Vint Cerf, người thường được cho là cha đẻ của Internet.

Trở lại với cái tên Lê Thị Công Nhân. Phải thành thật thú nhận là cách đây vài năm khi tôi lần đầu tiên nghe đến tên cô, tôi đã có một chút thành kiến với cái tên này. Thường tôi nghĩ tên con gái Việt Nam không Hồng thì cũng Trúc. Không là tên của một loài hoa thì cũng là một câu từ nào đó liên quan đến 4 chữ: Công, Dung, Ngôn, Hạnh.

Nhưng không. Đằng này cái tên lại là…Công Nhân. Mà lúc ấy tôi đã vội vàng hiểu nó theo nghĩa của câu ‘giai cấp công nhân’ mà tôi đã được nghe đi nghe lại rất nhiều lần lúc còn ở Việt Nam. Tôi đã hơi bị dị ứng với cái tên này.

Mãi về sau này sau khi tình cờ tôi đọc được một bài báo cho biết là mẹ của Lê Thị Công Nhân đặt cái tên ấy cho con mình để mong muốn khi lớn lên nó sẽ là một Nhân luôn đặt chữ Công trong công bằng, công lý lên đầu, lúc ấy tôi mới thấy đúng là bà đã khéo đặt tên cho con. Cũng như đã thành công trong việc nuôi nấng cho Nhân trở thành một người công dân thật sự như ý nguyện.

Tuy biết thế nhưng cũng phải đợi đến khi lần đầu tiên chính tai tôi nghe được Nhân phát biểu về tình trạng đất nước Việt Nam và những suy nghĩ của cô, lúc ấy tôi mới thật sự bị chinh phục. Bằng một giọng nói rõ ràng, mạch lạc. Từ tốn nhưng chắc chắn. Cương quyết nhưng không cường điệu. Phải nói là tôi đã rất ngạc nhiên trong vui mừng khi được biết Nhân là một con người như thế. Mặc dù lúc ấy cô chưa quá 30 tuổi.

Có lẽ đây cũng là một trong những lý do mà nhà nước cộng sản Việt Nam đã phải nhanh tay cho Nhân vào tù. Kẻo ở bên ngoài phát biểu lung tung thì lại có thêm nhiều người nghe theo cô.



Và hôm nay phải hơn sau ba năm tôi mới thấy lại được hình ảnh của Nhân và nghe được giọng nói của cô. Cũng một giọng nói rõ ràng, chắc chắn, đầy mạch lạc ấy. Có khác chăng là khi được hỏi về quãng thời gian tù tội vừa qua, Nhân đã nhắc lại câu chuyện giữa cô và một số công an mật vụ khi họ đến hỏi cô là cô có hối tiếc gì không khi thấy mình đã không thành công, ‘đã thất bại’ để lại bao công việc dở dang cho riêng mình.

Với một giọng nói trầm buồn, nghẹn ngào trong nước mắt lời nhắn nhủ của Nhân dành cho cộng đồng người Việt hải ngoại cũng là câu trả lời mà Nhân đã bảo cho chính những người công an mật vụ ấy nghe. Đó là sức người có hạn và có lẽ đúng là Nhân đã chưa thành công. Nhưng đó chỉ là vì Nhân chỉ có thể làm phần của mình mà không thể làm thế cho tất cả 90 triệu người dân Việt Nam.

Trong đó có 3 triệu người ở hải ngoại.

Nghe những lời chia sẻ của Nhân và nghĩ lại về mình. Đúng thế thật các bạn ạ. Chúng ta mỗi người nên tự vấn lương tâm hỏi xem chúng ta đã làm được gì cho quê hương, đất nước.

  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
XS
SM
MD
LG