Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên cho biết 4 người này đang bị giam ở thành phố Đơn Đông kể từ khi bị bắt hôm 29 tháng 3 ở thành phố Đại Liên.
Phát ngôn viên Cho Byung Je cho báo chí biết rằng Seoul đang yêu cầu Bắc Kinh xử lý vụ việc này một cách công bằng và nhanh chóng.
Ông Cho nói rằng chính phủ Nam Triều Tiên biết là cuộc điều tra đang được tiến hành dựa theo thủ tục pháp lý của Trung Quốc. Nhưng ông không chịu bình luận về những cáo trạng cụ thể mà 4 người này phải đối mặt vì họ chưa bị chính thức khởi tố.
Nhóm người này rõ ràng là đã tiếp xúc với những người Bắc Triều Tiên tị nạn ở đông bắc Trung Quốc để tìm hiểu về cuộc sống của họ ở Trung Quốc và tình hình ở quê nhà của họ.
Các nhà hoạt động tích cực nói rằng trong 4 người vừa kể có ít nhất một người phải đối mặt với cáo trạng làm gián điệp. Ông này là một nhân vật có nhiều tiếng tăm nhưng cũng gây nhiều tranh cãi trong giới tranh đấu cho nhân quyền.
Ông Kim Young Hwan được nhiều người biết tới khi ông trốn sang Bắc Triều Tiên năm 1991 để gặp người sáng lập Cộng Sản Bắc Triều Tiên Kim Il Sung. Ông Kim đã đáp tàu ngầm của Bắc Triều Tiên để thực hiện chuyến đi bí mật này.
Sau này ông Kim ngưng ủng hộ chế độ Cộng Sản Bắc Triều Tiên và trở thành một người mạnh mẽ chỉ trích tình trạng nhân quyền ở quốc gia bị cô lập này. Hiện giờ ông là một nhà nghiên cứu độc lập thuộc Mạng lưới Dân chủ và Nhân quyền Bắc Triều Tiên, gọi tắt là Nknet.
Ông Park Kin Keol, Giám đốc Phòng Quan hệ Quốc tế của Nknet, cho đài VOA biết rằng những người Nam Triều Tiên giúp đỡ người Bắc Triều Tiên ở Trung Quốc phải đối mặt với nhiều rủi ro nhưng họ hiếm khi bị bắt về tội làm gián điệp.
Ông Park cho biết: "Trong những vụ khác, những người này thường không bị truy tố về tội làm gián điệp. Dựa trên những gì mà ông Kim đã viết ở Nam Triều Tiên, người ta không thấy ông ấy có lập luận nào chống lại Trung Quốc cả. Oâng ấy chỉ tranh đấu cho nhân quyền và quyền lợi của những người Bắc Triều Tiên. Vì vậy chúng tôi nghi là cơ quan gián điệp của Bắc Triều Tiên hay nhà cầm quyền Bắc Triều Tiên có dính líu rất nhiều trong vụ này qua việc tố cáo ông Kim và những người khác ở Trung Quốc làm gián điệp."
Bộ ngoại giao Nam Triều Tiên nói rằng một trong các nhà ngoại giao của họ đã gặp ông Kim vào ngày 26 tháng 4 nhưng phiá Trung Quốc nói rằng 3 người còn lại đã quyết định không gặp bất kỳ người nào của tòa lãnh sự Nam Triều Tiên.
Ông Park của Nknet không tin chuyện đó.
Ông Park nói: "Từ chối không gặp lãnh sự là một việc rất đỗi không bình thường và không hợp lý chút nào. Vì thế chúng tôi nghĩ rằng thông tin này là ngụy tạo hoặc không thật."
Tuy tin 4 người Nam Triều Tiên bị giam ở Trung Quốc được nhiều cơ quan truyền thông ở Nam Triều Tiên loan tải, nhưng khi được hỏi về việc này, phát ngôn viên Hồng Lỗi của Bộ ngoại giao Trung Quốc nói rằng ông không hay biết gì.
Ông Hồng nói rằng ông không có thông tin vào lúc này và cần có thêm chi tiết về tình hình trước khi trả lời câu hỏi của ký giả.
Nhiều người Nam Triều Tiên, đặc biệt là những người truyền bá Cơ đốc giáo, đang ra sức giúp đỡ cho hàng vạn người Bắc Triều Tiên sinh sống ở Trung Quốc. Tuy có một số người tìm cách tới một nước thứ ba, với hy vọng rốt cuộc sẽ được tới tị nạn ở Nam Triều Tiên, nhưng nhiều người vẫn tiếp tục sống lén lút ở Trung Quốc và tìm cách kiếm tiền.
Nếu bị bắt, họ thường bị trả về Bắc Triều Tiên với lý do là người di dân kinh tế.
Các tổ chức nhân quyền chống đối việc cưỡng bách hồi hương như vậy. Họ nói rằng những người Bắc Triều Tiên tị nạn bị trừng phạt một cách dã man sau khi bị đưa về nước.
Chính phủ Nam Triều Tiên hôm nay xác nhận 4 nhà hoạt động của nước họ có liên hệ với những người Bắc Triều Tiên tị nạn đang bị Trung Quốc giam giữ từ cuối tháng 3. Mời quí thính giả nghe Tấn Chương trình bày thêm chi tiết qua bài tường thuật do thông tín viên VOA Steve Herman gởi về từ Seoul.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1