Sau khi các thiết bị nhận tín hiệu GPS ở nhiều nơi tại Nam Triều Tiên bị gây nhiễu trong 12 ngày liên tiếp, chính phủ nước này tuyên bố họ không thể kiên nhẫn hơn nữa.
Ông Kim Choon-oh, giám đốc các cơ sở hàng không tại Bộ Giao thông, nói rằng đơn khiếu nại về việc Bắc Triều Tiên cố tình làm nhiễu hệ thống định vị vệ tinh sẽ được gửi tới Bình Nhưỡng, Liên minh Viễn thông Quốc tế và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế.
Ông Kim nói với đài VOA rằng khó có thể dự đoán được Bắc Triều Tiên sẽ đáp lại như thế nào, nhưng điều quan trọng nhất là họ phải ngưng hành động quấy nhiễu này.
Bắc Triều Tiên bác bỏ tố cáo làm nhiễu sóng GPS khi một đơn khiếu nại được nộp hồi năm ngoái và ông Kim cho rằng lần này họ cũng sẽ trả lời như vậy. Ông than phiền rằng, theo các thỏa thuận quốc tế hiện hành, hiện không có cách để áp đặt các biện pháp trừng phạt hay chế tài đối với những hành động can thiệp như vậy.
Đây là lần thứ ba Seoul cáo buộc Bình Nhưỡng làm nhiễu sóng GPS. Nhưng đây là lần mà vụ việc kéo dài nhất.
Giới hữu trách ở Seoul nói rằng sự quấy nhiễu đã được phát hiện kể từ ngày 28 tháng Tư, trong các buồng lái của gần 700 máy bay và trên boong của 175 chiếc tàu. Nhưng các giới chức nói rằng vấn đề an toàn vẫn chưa bị ảnh hưởng vì phi công và hoa tiêu vẫn có thể sử dụng các thiết bị khác để lái máy bay và tàu bè.
Các máy bay sử dụng sân bay Incheon và Gimpo phục vụ thủ đô của Nam Triều Tiên, cũng như các máy bay dân sự bay qua bán đảo Triều Tiên, đã bị ảnh hưởng.
Lực lượng Hoa Kỳ đóng tại Nam Triều Tiên không bình luận gì về việc vụ phá sóng này có tác động tới bất kỳ hoạt động nào hay không. Hiện có hơn 28.000 quân nhân Mỹ ở Nam Triều Tiên.
Hồi năm 2010, bộ trưởng quốc phòng Nam Triều Tiên đã đổ lỗi vụ làm nhiễu sóng GPS đầu tiên cho các thiết bị do Nga chế tạo hoạt động ở Bắc Triều Tiên, được cho là có khả năng làm chệch hướng các loại vũ khí có thiết bị định hướng.
Một vụ làm nhiễu sóng tương tự thứ hai đã ảnh hưởng tới các thiết bị nhận tín hiệu định vị, gồm cả một số điện thoại di động ở Seoul, hồi tháng 3 năm ngoái.
Vụ mới nhất, được cho là xuất phát từ khu vực Kaesong, ngay phía bắc khu vực phi quân sự, đã diễn ra sau khi những lời đe dọa của Bình Nhưỡng đối với Nam Triều Tiên có sự gia tăng đáng kể về mức độ.
Hai miền Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao và đã giao tranh trong một cuộc nội chiến kéo dài 3 năm cho tới năm 1953. Một hiệp định ngưng bắn đã đạt được nhưng chưa hề có hiệp định hòa bình nào được ký kết.
Nam Triều Tiên sẽ đệ đơn khiếu nại chính thức với Bình Nhưỡng và các cơ quan hữu quan của Liên Hiệp Quốc về việc gây nhiễu tần số của Hệ thống Định vị Toàn cầu, GPS, mà họ nói là xuất phát từ Bắc Triều Tiên. Thông tín viên Steve Herman gửi về bài tường trình chi tiết từ Seoul.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1