Đường dẫn truy cập

Ngành Du lịch Châu Á -Thái Bình Dương hồi phục


Du hành và du lịch, hai yếu tố thiết yếu cho nền kinh tế Châu Á -Thái Bình Dương, đã hồi phục từ cuối năm 2009, và tăng trưởng mạnh nhất trong nội địa khu vực. Tuy nhiên như lời tường thuật của thông tín viên Ron Corben từ Bangkok, trong khi các chuyên gia về du lịch tỏ ra lạc quan, họ nói thêm rằng có thể phải mất một năm nửa trước khi công nghiệp du lịch hồi phục hoàn toàn khỏi cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu.

Ngành du lịch của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang phát triển trở lại sau 2 năm đầy khó khăn do giá nhiên liệu tăng vọt và kinh tế toàn cầu suy sụp.

Hội Du Lịch Châu Á-Thái Bình Dương (PATA) nói đang phục hồi đà tiến, với số lượng du khách đến khu vực tăng 3% trong tháng 11, so với một năm trước đó.

Phát ngôn viên của PATA, ông John Koldowski, nói rằng có thể phải đến năm 2011 ngành du lịch mới có thể hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên ông nói thêm rằng các hãng hàng không, khách sạn và các địa điểm du lịch có thể trông đợi một mùa Tết âm lịch thành công.

Ông Koldowski nói: “Mùa du lịch vào dịp Tết Âm lịch năm nay sẽ nở rộ, ngay bây giờ nếu tìm một chuyến bay đến khu vực hoặc ra khỏi khu vực, quý vị phải hết sức thận trọng và linh động. Vào lúc này khả năng đáp ứng nhu cầu của du khách rất hạn chế. Như quý vị đã biết, khả năng cung cấp chỗ ngồi trên các chuyến bay đã giảm trong 18 tháng qua.”

Tết Âm Lịch năm nay khởi sự vào ngày 14 tháng Hai, và theo truyền thống đây là cao điểm của các chuyến du hành ở Châu Á.

Các thị trường có dấu hiệu phát triển mạnh gồm có Đài Loan, Nam Triều Tiên, Hong Kong và Macao. Tuy nhiên, số du khách đến Trung Quốc vẫn thấp từ năm 2008 tới nay, tức là từ khi Bắc Kinh đăng cai Đại Hội Olympic.

Số khách đến Nepal, Sri Lanka và Maldives cũng cao hơn nhưng số người đến Ấn độ vẫn như cũ. Khách đến nam Á dẫn đầu mức hồi phục của khu vực với số khách đến thăm tăng 15%.

Mới đây Tổ Chức Quốc Tế về du hành bằng đường hàng không phúc trình rằng khu vực châu Á Thái Bình Dương đã qua mặt Bắc Mỹ, trở thành thị trường về du hành bằng đường hàng không lớn nhất.

Trong năm 2009, 647 triệu người đã sử dụng máy bay để di chuyển trong vùng châu Á-Thái bình dương, so với 638 triệu người tại khu vực Bắc Mỹ.

Ông Brian Sinclair Thompson, quản lý cho hãng hàng không Swiss International tại Thái Lan, lạc quan về viễn ảnh của khu vực này.

Ông Thompson nhận định: “Lạc quan dè dặt một lần nữa là từ mà chúng tôi dùng và theo tôi khu vực châu Á Thái bình dương đang vươn lên hàng đầu căn cứ theo thống kê của Tổ Chức Quốc Tế.

Về số lượng người di chuyển bằng đường hàng không, khu vực này đã qua mặt Bắc Mỹ và tôi cho đây là một dấu hiệu tốt, cũng như tại toàn châu Á, nhu cầu chắc chắn đang hồi phục.

Ông Sinclair Thompson dự kiến rằng những hãng hàng không lớn sẽ kiến tạo lại khả năng trong lúc những hãng hàng không nhỏ với giá rẻ, những công ty vẫn tiếp tục phát triển trong thời kỳ suy thoái kinh tế, vẫn sẽ mở rộng hoạt động.

Theo ông Lutzi Matzig, giới chức điều hành hoạt động của công ty du lịch Asian Trails của Thái Lan, quốc gia này đã bắt đầu hồi phục vào cuối năm 2009. Nhưng ông cho biết tình hình chính trị ổn định tại Thái Lan là điều sinh tử để giữ cho công cuộc hồi phục tiếp tục.

Cuối năm 2008 những người biểu tình đã chiếm giữ phi trường quốc tế tại thủ đô Bangkok trong suốt 1 tuần lễ, gây thiệt hại cho ngành du lịch hàng trăm triệu đô la.

Ông Matzig nói: “Tại Thái Lan số du khách đã tăng lên 3,7%, vì thế chiều hướng xem ra cũng khá, tuy chưa thấy tăng mạnh. Nhưng ít ra nó đang tiến triển theo chiều hướng thuận lợi. Nói chung, tháng 12 năm ngoái khá hơn 1 năm trước đó; ít ra là đang bắt đầu đi lên, đây là điều tốt.”

Ngành du lịch trong khu vực, tại một số quốc gia, chiếm đến hơn 5% nền kinh tế, sẽ phải dựa vào sự hồi phục liên tục của nền kinh tế toàn cầu trong năm nay để tiến triển, căn cứ trên tình trạng được cải thiện mới đây.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG