Cố vấn nhà nước, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, đang có chuyến thăm chính thức 2 ngày đến Việt Nam, từ 19/4 – 20/4, theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Chuyến thăm được báo chí nói là nhằm để “thúc đẩy lợi ích song trùng” giữa hai nước trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai bên đang có “nhiều tiến triển tích cực” và có “sự tin cậy về chính trị”.
Tuy nhiên, giới hoạt động trong nước nói thẳng với VOA rằng họ không kỳ vọng gì, thậm chí nếu có cơ hội gặp mặt bà, họ sẽ chỉ trích người phụ nữ đã từng được xem là biểu tượng của dân chủ và là “ngọn hải đăng của niềm hy vọng” cho người dân Myanmar.
Khi bà ấy lên nắm quyền, đảng của bà ấy có vẻ khá độc tài. Bà ấy cũng nuốt nhiều lời hứa, từ việc trả tự do cho tù nhân lương tâm cho đến chuyện người Rohinya. Có thể nói tấm gương của bà đã bị lu mờ đi rất nhiều.TS. Nguyễn Quang A.
Trước khi bà Aung San Suu Kyi đặt chân tới Việt Nam lần này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Myanmar vào tháng 8 năm 2017 và hai bên đã nâng cấp quan hệ lên thành “Đối tác hợp tác toàn diện”.
Một chuyên gia nghiên cứu chiến lược của Học viện Quan hệ Quốc tế, thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, TS. Trần Việt Thái, nói với VOV rằng bên cạnh “sự tin cậy chính trị và những cơ chế hợp tác mà hai nước đã xây dựng được, lợi ích song trùng chính là nhân tố quan trọng nhất gắn kết hai quốc gia”. Theo đó, Myanmar nhìn thấy ở Việt Nam bài học kinh nghiệm trong quá trình phát triển, còn Việt Nam thấy ở Myanmar một thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng.
Chuyến thăm của bà Suu Kyi lần này được kỳ vọng “thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam-Myanmar phát triển mạnh mẽ, tương xứng với tiềm năng của hai bên”, theo VOV.
Trong khi đó, giới hoạt động dân chủ tại Việt Nam lại tỏ ra thờ ơ với chuyến thăm của khôi nguyên Nobel Hòa bình và biểu tượng thế giới về đấu tranh dân chủ một cách ôn hòa.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà vận động xã hội dân sự nổi tiếng tại Việt Nam, nói ông “không kỳ vọng gì” từ bà Aung San Suu Kyi và chuyến thăm Việt Nam của bà vì những dấu hiệu mà ông cho là “khó mà có tương lai” cho tiến trình dân chủ ngay tại đất nước Myanmar của bà.
“Tôi có dịp đến Myanmar và đến trụ sở Đảng của bà, thì tôi thấy tất cả kiểu tuyên truyền chỉ có mình bà ấy và ông bố của bà. Nếu chỉ quay quanh một gia đình, tôn sùng quá như thế thì tôi thấy khó mà có tương lai gì tốt đẹp, nếu không muốn nói có thể có những dấu hiệu chưa chắc đã phải là hay”.
Nhà vận động xã hội dân sự tại Việt Nam tỏ ra thông cảm cho bà Suu Kyi khi phải điều hành đất nước trong một “thế khó”, với nhiều giới hạn từ Hiến pháp cho đến sự hiện diện của tập đoàn quân sự, nhưng ông cho rằng chính việc bà Suu Kyi “thất hứa” trong nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền của mình như trả tự do cho tù nhân lương tâm hay nhân quyền cho người thiểu số Hồi giáo Myanmar đã làm hoen ố hình ảnh vốn rất đẹp trước đây của bà.
TS. Nguyễn Quang A nói:
“Khi bà ấy lên nắm quyền, đảng của bà ấy có vẻ khá độc tài. Bà ấy cũng nuốt nhiều lời hứa, từ việc trả tự do cho tù nhân lương tâm cho đến chuyện người Rohinya. Có thể nói tấm gương của bà đã bị lu mờ đi rất nhiều”.
Tôi chỉ có thể ngưỡng mộ bà Aung San Suu Kyi trong giai đoạn bà ấy đấu tranh thôi. Còn bây giờ, tôi coi bà ấy bình thường, không một chút gì ngưỡng mộ cả. Thậm chí, tôi còn sẵn sàng chỉ trích bà nếu tôi được gặp bà nói chuyện.Nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến.
Trước đây, không ít người trong giới hoạt động dân chủ tại Việt Nam từng “mơ ước” có được một “biểu tượng” đủ uy tín để “tập hợp lực lượng” và lãnh đạo phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt Nam, theo lời nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến.
“Bởi vì sống dưới một thể chế độc quyền lãnh đạo như Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của một Đảng Cộng sản, thì người ta nhìn sang các nước xung quanh trong khu vực, đặc biệt là Miến Điện, thì người ta cũng có những ước ao. Đấy là lẽ tự nhiên thôi”, ông Tuyến giải thích với VOA từ Hà Nội.
Là người theo dõi tin tức đa chiều, ông Nguyễn Chí Tuyến cho rằng bà Suu Kyi đã được “đưa lên thành một biểu tượng” trong giai đoạn đấu tranh, mặc dù bà đã có nhiều hy sinh và đóng góp đáng kể cho tiến trình dân chủ ở Mynamar.
“Tôi chỉ có thể ngưỡng mộ bà Aung San Suu Kyi trong giai đoạn bà ấy đấu tranh thôi. Còn bây giờ, tôi coi bà ấy bình thường, không một chút gì ngưỡng mộ cả. Thậm chí, tôi còn sẵn sàng chỉ trích bà nếu tôi được gặp bà nói chuyện”, ông Tuyến nói thêm.
Bà Aung San Suu Kyi là con gái một vị tướng anh hùng của Mynamar. Bà từng bị chính quyền quân sự Myanmar quản thúc tại gia hầu hết thời gian trong suốt giai đoạn từ năm 1989 – 2010 vì những nỗ lực khôi phục dân chủ cho đất nước bằng phương pháp đấu tranh ôn hòa.
Năm 1991, bà được trao giải Nobel Hòa Bình.
Tuy nhiên, uy tín và hình ảnh của bà Suu Kyi đã bị sụt giảm mạnh sau khi Đảng Liên đoàn Quốc gia Vì Dân chủ (NLD) do bà dồng sáng lập chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử năm 2015 và lên cầm quyền ở Myanmar.
Hơn 400.000 người đã ký tên đòi tước giải Nobel của bà sau khi Myanmar xảy ra vụ đàn áp người thiểu số Hồi giáo Rohingya khiến gần 700.000 người phải bỏ trốn sang quốc gia láng giếng Bangladesh, gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo mà Liên Hiệp Quốc lên án là do cuộc “thanh lọc sắc tộc” của chính quyền do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo gây ra.